Du khách châu Á e ngại điểm đến nổi tiếng vì lo bạo loạn?

Du khách châu Á có thể sẽ thận trọng khi đến thăm Anh sau khi các cuộc bạo động gần đây, dẫn đến cảnh báo du lịch trước thời điểm quan trọng trong năm mà các gia đình thường lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, các nhà phân tích cho biết.

Khách du lịch chụp ảnh tại Piccadilly Circus ở London. Ảnh: Getty

Khách du lịch chụp ảnh tại Piccadilly Circus ở London. Ảnh: Getty

Bạo lực bùng phát ở Southport, miền Tây Bắc nước Anh sau vụ đâm dao khiến ba bé gái tử vong và 10 người khác bị thương dẫn đến lan truyền thông tin sai lệch rằng kẻ tấn công là người nhập cư và nhận dạng sai nghi phạm là người Hồi giáo.

Phe ủng hộ cực hữu và những kẻ cực đoan chống nhập cư đã tấn công các khách sạn dành cho người xin tị nạn, đụng độ với cảnh sát, dẫn đến hàng trăm vụ bắt giữ.

Tình trạng bất ổn tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đã khiến một số quốc gia Đông Nam Á, như Malaysia và Indonesia có đa số dân theo đạo Hồi, phải ban hành cảnh báo du lịch. Ấn Độ và Australia cũng đã cảnh báo công dân của họ tới Anh.

"Đây là một thử thách khó khăn đối với chính phủ mới và danh tiếng của nước Anh về sự đa dạng chủng tộc và lòng khoan dung - buộc chính phủ thực hiện các bước pháp lý mạnh mẽ," Gary Bowerman, Giám đốc công ty phân tích du lịch Check-in Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur và là đồng dẫn chương trình podcast du lịch The Southeast Asia Travel Show cho biết.

Các điểm đến ở châu Âu đang tìm cách xây dựng lại thị trường du khách châu Á của họ, với Tuần lễ vàng của Trung Quốc vào tháng 10 và các kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, ông nhấn mạnh.

Tuần lễ Vàng của Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 1/10 với Ngày Quốc khánh của nước này, là một trong những thời điểm du lịch bận rộn nhất trên toàn cầu khi hàng triệu người Trung Quốc tỏa đi khắp nơi trong nước và quốc tế.

Tác động đến lượng du khách sẽ phụ thuộc vào "mức độ hiệu quả của chính phủ Anh trong việc ngăn chặn sự lây lan của bạo lực", chuyên gia Bowerman cho biết.

"Cho đến nay, bạo loạn chủ yếu xảy ra ở những nơi mà khách du lịch hiếm khi đến thăm, mặc dù có những điểm nóng ở các thành phố như London và Bristol," nhà phân tích này khẳng định.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã cam kết với các cộng đồng về sự an toàn, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ cảnh sát bằng cách tăng thêm chi phí cho các sĩ quan làm thêm giờ.

Cơ quan phòng chống tội phạm của Anh và Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ được cho là đang điều tra vai trò của các tác nhân trong việc phát tán thông tin sai lệch về các cuộc bạo loạn.

An toàn là vấn đề

“Nhận thức của công chúng về một điểm đến là yếu tố quan trọng trong du lịch, đặc biệt là trong thời kỳ hậu đại dịch,” ông Bowerman cho biết, đồng thời khẳng định các cuộc khảo sát người tiêu dùng ở Châu Á cho thấy sự an toàn và an ninh là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn hoặc giới thiệu một điểm đến du lịch.

Hậu quả đối với du lịch có thể được hạn chế nếu bạo lực được ngăn chặn, vì “khách du lịch có trí nhớ ngắn hạn,” Wolfgang Georg Arlt, Giám đốc Trung tâm Du lịch Ý nghĩa có trụ sở tại Đức cho biết.

“Nếu những điều nghiêm trọng hơn không xảy ra, thì lượng khách đến sẽ chỉ giảm trong thời gian ngắn,” nhưng an toàn và an ninh sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Một bộ phận du khách từ châu Á có thể không quá lo ngại về tình trạng bạo lực miễn là không lan sang các thành phố như London, Rajeev Kohli, Giám đốc điều hành chung của Creative Travel có trụ sở tại New Delhi cho biết.

Các cuộc bạo loạn cũng xảy ra vào cuối kỳ nghỉ ở Ấn Độ, ông cho biết thêm rằng khuyến cáo du lịch của chính phủ Ấn Độ đối với Anh không ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Du khách Ấn Độ thường lên kế hoạch ít nhất 6 tháng trở lên cho các điểm đến đường dài như Anh.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-khach-chau-a-e-ngai-diem-den-noi-tieng-vi-lo-bao-loan.html