Du khách đổ về 'đất lửa' Quảng Trị, Quảng Bình để tri ân các liệt sĩ

Tháng 7, những đoàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sỹ và du khách từ khắp mọi miền đất nước lại về với Quảng Trị, Quảng Bình. Những nén hương, những lời nguyện cầu cho người nằm xuống cất lên trên những nghĩa trang liệt sỹ khiến ta bồi hồi xúc động…

Ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (huyện Gio Linh, Quảng Trị) nơi quy tụ hơn 10.300 phần mộ của các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, những đoàn xe mang biển số Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Nghệ An, Bình Định, Bình Phước, Cà Mau, TP.HCM… chen kín vào nhau trên những con đường vòng vèo trong nghĩa trang.

Du khách về thắp hương ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Du khách về thắp hương ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Chiến tranh đã qua lâu rồi, những khoảnh đồi nơi đây đang tươi xanh một màu xanh Quảng Trị, đang tươi xanh những tuổi đời mười tám đôi mươi của các chị các anh nằm lại với đất rừng Quảng Trị, Trường Sơn. Gió Lào tháng 7 vẫn trinh nguyên dào lên, rung lá rừng thông reo từng đợt như sóng. Ai cũng ngỡ như trước mắt mình là sóng biển Thanh Hóa, Nam Định, Khánh Hòa, Kiên Giang… xa ngái về đây, miên man vỗ về các chị các anh trên những triền đồi Trường Sơn. Hay gió từ những vùng quê núi đồi yên ả Tuyên Quang, Hà Giang, Tây Ninh, Quảng Nam… đang vỗ yên nơi các chị, các anh nằm lại...

Tôi không thể quên, trong nắng sớm, một cựu chiến binh tóc đã bạc trắng, tay cầm nén hương cháy đỏ trong gió ngàn, lần đi qua từng hàng bia mộ. Sau khi cắm hương lên một mộ phần, ông đọc tấm bia và nói với đồng đội mình: “Đồng đội ơi, sinh 1953, vậy là hy sinh khi mới 20 tuổi… Đồng đội đã kịp có mối tình nào chưa hả đồng đội của tôi ơi…”. Nghe ông nói với đồng đội, ai cũng thấy mình rưng rưng tận tâm can. Bởi giữa hàng hàng, ngàn ngàn bia mộ trắng hôm nay đây, có bao người lính trẻ chưa có lần được cầm tay bạn gái, chưa có lần được hẹn hò ngày gặp mặt…

Người cựu chiến binh già tưởng nhớ đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Người cựu chiến binh già tưởng nhớ đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 (TP Đông Hà, Quảng Trị), nơi có hơn 10.700 phần mộ liệt sỹ, những ngày này cũng đã đón tiếp hàng trăm, hàng ngàn đoàn khách từ khắp nơi tìm về hương khói tri ân.

Nơi đây nhiều người tìm đến và hương khói ở khu mộ tập thể, đó là nơi yên nghỉ của hơn 600 liệt sỹ đã nằm xuống trong những trận đánh ác liệt, sau đó khi giải quyết trận chiến phía quân Mỹ và VNCH đã đào hố lớn và chôn lấp các anh xuống rồi tưới xăng đốt thi thể. Khi quy tập, do không thể tách hài cốt ra và không biết được tên tuổi, đơn vị cụ thể từng người đành an táng các anh trong khu mộ tập thể như bây giờ. Các anh là đồng đội, nằm xuống các anh mãi vẫn là đồng đội bên nhau.

Tưởng niệm liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9

Tưởng niệm liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9

Tháng 7 ở Di tích quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị, nơi năm 1972 diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu khốc liệt để giữ thành, được cả thế giới biết đến với mệnh danh là “cối xay thịt”. Mỗi mét vuông đất ở thành cổ Quảng Trị là một mét máu đổ xuống. Trong 81 ngày đêm ấy, từ 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn.

Tại đây, sự hy sinh của Quân giải phóng lớn đến mức mỗi ngày có một đại đội (từ 90 đến 120 người) từ bờ bắc sông Thạch Hãn qua để tiếp viện quân số cho thành cố, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót...

Du khách khắp nơi về tri ân tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Du khách khắp nơi về tri ân tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Chiến tranh đã qua lâu rồi. Hôm nay, Thành cổ Quảng trị đã trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách mỗi khi về nguồn và đến với mảnh đất Quảng Trị. Toàn bộ khu vực 1km2 nội thành thành cổ là chiến trường xưa nay đã được xây dựng lại đàng hoàng, với khuôn viên cây xanh khang trang, tượng đài chiến sỹ, bảo tàng trưng bày ảnh tài liệu và hiện vật.

Thành cổ dường như cũng trở thành một nghĩa trang trong tiềm thức mọi người, nhưng lại không có một nấm mộ nào. Bởi Thành cổ như là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì hòa bình, vì sự thống nhất đất nước. Tìm về với nơi đây vào tháng 7 hằng năm, ngoài thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh, còn là hàng ngàn ngàn du khách khắp cả nước, như một lời tri ân…

Cựu chiến bình và TNXP về thắp tưởng niệm ở hang Tám TNXP

Cựu chiến bình và TNXP về thắp tưởng niệm ở hang Tám TNXP

Ở trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), những ngày này cũng tấp nập du khách đến với những địa chỉ tâm linh gắn liền với một thời chống Mỹ cứu nước. Đó là đường 20-Quyết Thắng, con đường của lứa tuổi 20 xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Trên đường 20-Quyết Thắng có nhiều điểm đến tâm linh đang phục vụ du khách về nguồn. Đó là hang Y tá ở km18, hang Tám TNXP ở km16, ngầm Trạ Ang, hang thông tin...

Điểm đến lớn nhất ở đây là Hang Tám TNXP (trước đây gọi là hang Tám Cô), là nơi vào ngày 14/11/1972, để tránh bom Mỹ, một đội thanh niên xung phong gồm bốn nam và bốn nữ đã vào hang trú ẩn. Bom Mỹ đánh sập hang và các chị các anh đã nằm lại trong đó...

Ông Hoàng Hải Vân, phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cho biết Hang Tám TNXP bây giờ là điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh được nhiều du khách tìm đến.

Với sự đầu tư quy củ về các hạng mục như đền thờ, nhà bia tưởng niệm, bãi đỗ xe và các khu vực phụ cận, tạo thuận lợi cho khách đến dâng hương, tưởng niệm. Mỗi năm trung bình có hàng trăm nghìn lượt khách đến. Riêng dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7 thì lượng khách đến với di tích lên đến vài nghìn người/ngày.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến phà Long Đại

Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến phà Long Đại

Một điểm đến tâm linh khác là đền Bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), ở km 1004+810 trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông). Đây là trọng điểm vượt sông quan trọng của tuyến đường mòn HCM phía Đông Trường Sơn. Mỗi tấc đất ở bến phà Long Đại đều thấm đẫm máu của bộ đội, TNXP và nhân dân suốt từ năm 1965 đến 1972.

Ngày 19/9/1972, khi đơn vị C130 tỉnh Thái Bình đang vận chuyển hàng thì máy bay Mỹ bất ngờ ném bom, làm 15 người hy sinh. Trên ngọn đồi bên bến phà Long Đại xưa, nay đã xây dựng một đền thờ tưởng niệm. Là một trong những “địa chỉ đỏ” thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn. Du khách hằng ngày qua lại trên đường HCM (nhánh Đông) đều ghé đền thắp hương tưởng niệm.

Lam Giang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/du-khach-do-ve-dat-lua-quang-tri-quang-binh-de-tri-an-cac-liet-si-c8a57139.html