Du khách kẹt trong đá 20 tiếng, phải cắt bỏ chân khi đi thuyền kayak

Du khách người Litva chèo thuyền kayak trên sông Franklin đang chiến đấu để giành giật sự sống tại bệnh viện Tasmanian.

 Các nhân viên cứu hộ mô tả đây là cuộc giải cứu "tệ nhất" họ từng gặp trong sự nghiệp.

Các nhân viên cứu hộ mô tả đây là cuộc giải cứu "tệ nhất" họ từng gặp trong sự nghiệp.

Người đàn ông Litva 69 tuổi được khen ngợi vì “khả năng chịu đựng phi thường” sau khi lực lượng cứu hộ buộc phải cắt bỏ chân của ông trong cuộc giải cứu kéo dài 20 tiếng ở tây nam Tasmania.

Người đàn ông đang nguy kịch ở bệnh viện Royal Habart vào chiều 24/11. Ông đã chèo bè du lịch trong nhiều ngày cùng nhóm du khách 11 người. Du khách 69 tuổi trượt chân khi đang đi bộ trên tảng đá cạnh con suối. Một phần cơ thể ông kẹt giữa khe nứt gần 20 tiếng.

Mitch Parkinson là nhân viên y tế của dịch vụ cấp cứu Tasmania đồng thời là một trong những người đầu tiên có mặt ở hiện trường. “Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất tôi từng gặp”, anh nói.

“Thật là người đàn ông mạnh mẽ và phi thường, ông có thể chịu đựng cả đêm”, Parkinson nhận xét. “Chúng tôi cố giúp ông giữ ấm, no bụng và không phải khát nước”.

Trong khi đó, đội cứu hộ tiếp tục tìm cách giải cứu người đàn ông. Ace Petrie, một trong hai nhân viên cứu hộ ở hiện trường, cho biết nước chảy xiết và ngập đến ngực ông lão.

“Ông ấy nói tiếng Anh khá yếu. Khi chúng tôi cố kéo chân ông ra ngoài, ông nói: ‘Chân tôi bị gãy rồi’. Tôi không thể giao tiếp để giúp ông quên đi cơn đau. Điều đó thật sự khó”, anh kể. “Đầu gối của nạn nhân kẹt trong đá ở một đoạn rất sâu của ghềnh thác. Chúng tôi phải vượt qua nhiều nguy hiểm mới tiếp cận được ông”.

 Du khách 69 tuổi bị kẹt giữa khe đá, phải cắt bỏ chân để được tự do.

Du khách 69 tuổi bị kẹt giữa khe đá, phải cắt bỏ chân để được tự do.

Mực nước giảm dần khi cuộc giải cứu tiếp tục nhưng đội cứu hộ gần như tuyệt vọng. Petrie nói anh đã làm mọi thứ có thể để giải cứu nạn nhân, bao gồm dùng dây thừng và ròng rọc. Đội cứu hộ dùng túi khí và dụng cụ thủy lực để đẩy tảng đá đè chặt ông lão.

“Máy móc có công suất 50 tấn nhưng chúng tôi không thể đẩy những tảng đó đá ra ngoài”, Petrie nói. “Cuộc cứu hộ lúc đó diễn ra được 10-12 giờ”.

“Đây là tình huống tệ nhất tôi từng gặp trong sự nghiệp”, Const Callum Herbert, cảnh sát Tasmania, cho biết. “Ông ấy không thể ra khỏi tảng đá và mọi nỗ lực đã được thực hiện trước khi chúng tôi quyết định cắt chân của ông”.

“Trọng tâm của cuộc giải cứu là đảm bảo phẫu thuật cắt cụt là phương án cuối cùng. Mọi biện pháp có thể tưởng tượng đều được thực hiện. Đây không phải là quyết định tức thời và dễ dàng”, Parkinson nhấn mạnh.

Nhân viên cứu hộ cho biết nhóm bạn của nạn nhân đã hỗ trợ thức ăn nóng và nước. 1 trong 10 người đi cùng ông là bác sĩ ở Litva và có vai trò như phiên dịch viên giữa ông lão và đội cứu hộ. Anh là người thông báo cho nạn nhân rằng chân của ông sắp bị cắt cụt.

Petrie cho biết những người trong đội cứu hộ lẫn nạn nhân đã liều cả mạng sống trong 20 tiếng giải cứu. “Chúng tôi được huấn luyện cho những tình huống khó khăn nhưng lần này khó hơn tương tượng”, anh nói.

Tính đến tối 24/11, nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.

Đông Tùng

Ảnh: Tasmania Police

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-khach-ket-trong-da-20-tieng-phai-cat-bo-chan-khi-di-thuyen-kayak-post1513668.html