Video: Du khách nườm nượp tới tham quan bãi cọc nghìn năm tuổi ở Hải Phòng
Ngày 13/10/2020, Dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) được khánh thành. Từ kết quả khai quật khảo cổ, kết quả xác định niên đại tuyệt đối màu cọc gỗ, kết hợp các nguồn tư liệu lịch sử, di tích bãi cọc Cao Quỳ được xác định là một trận địa có niên đại cuối thế kỷ XIII, liên quan đến trận chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.
Trong ngày đầu năm mới 2021, theo ghi nhận của PV VTC News, rất đông du khách có mặt tại đây để tham quan Khu bảo tồn bãi cọc. Thời gian tham quan được quy định từ 8h đến 11h30 và 13h30 đến 17h hàng ngày. Theo thống kê, chỉ trong sáng 1/1/2021, khu di tích đón hơn 1.000 khách tới tham quan.
Từ khi Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ được khánh thành tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 khách, ngày đông nhất có gần 7.000 người, ngày ít cũng 500-600 khách tham quan. Họ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước, không hẹn mà gặp tại đây để cùng tìm hiểu về những giá trị lịch sử mà cha ông ta để lại qua trận đánh trên sông Bạch Đằng, bảo vệ bờ cõi nước nhà.
Khách đến tham quan không dồn dập cùng một lúc, họ đi theo các đoàn, trong đó có nhiều đoàn là học sinh các trường đi trải nghiệm.
Nhiều gia đình cho cả con nhỏ đi để các thế hệ mầm non hiểu hơn giá trị lịch sử của bãi cọc.
Nhiều du khách tranh thủ chụp ảnh để lưu lại cho mình những hình ảnh đẹp về bãi cọc Cao Quỳ.
Lần đầu tiên tới trải nghiệm tại bãi cọc Cao Quỳ, ông Bùi Đăng Hưởng (72 tuổi, xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng) cho biết, được tận mắt nhìn thấy bãi cọc Cao Quỳ, ông rất xúc động và tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông ta 3 lần đánh tan quân địch trên sông Bạch Đằng. "Bãi cọc khơi dậy lòng yêu nước, tự hào của các thế hệ con cháu sau này. Có lẽ đất nước ta nghìn năm sau sẽ không bao giờ khuất phục bất cứ kẻ ngoại xâm nào tới xâm lược", ông Hưởng nói.
Nhiều du khách say sưa nghiên cứu về những giá trị lịch sử của bãi cọc Cao Quỳ.
Bãi cọc Cao Quỳ nằm trên cánh đồng Cao Quỳ, ven bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc xã Liên Khê. Bãi cọc được phát hiện vào tháng 10/2019. Sau khi phát hiện và khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện 73 cọc gỗ và hố cọc có kích thước, góc nghiêng, hướng nghiêng khác nhau và phân bố không đều.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật kim loại, dây chão, nín buộc bè... Ở các khu vực lân cận trải dài nhiều km dọc ven sông Bạch Đằng, các cọc gỗ rải rác hoặc nằm tập trung trong phạm vi hàng trăm ha cũng được phát hiện. Để tiếp tục làm rõ hơn hệ thống bãi cọc trong quần thể Bạch Đằng Giang, các di tích này đang tiếp tục được khai quật và nghiên cứu.
Hiện nay, các cọc gỗ bên trong nhà vòm được bảo tồn bằng hai hình thức là bảo tồn trong nước và bảo tồn trong gỗ. Trong đó, 18 cọc gỗ được bảo tồn nguyên trạng như khi được phát hiện trong hồ nước rộng 450m², nước được xử lý hóa chất để bảo quản, hạn chế hư hỏng các cọc gỗ.
Phần diện tích còn lại trong lòng nhà vòm có 55 cọc gỗ và hố chôn cọc được bảo tồn bằng hình thức lấp đất sau khi nghiên cứu nhằm hạn chế tác động của môi trường bên ngoài và của con người.
Để người dân và du khách hình dung được diện mạo và cách bố trí bãi cọc, các nhà quản lý cho đặt các cọc phỏng dựng trên mặt đất. Các cọc phỏng dựng tương tự các cọc và hố cọc đang được bảo tồn dưới đất về kích thước, kiểu dáng, thế đóng và vị trí.
Tại khu vực nhà giới thiệu và trưng bày hiện vật nằm trong khuôn viên 30.680m² của Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ cũng thu hút rất đông khách tới tham quan nhân ngày đầu năm mới 2021.
Nguyễn Huệ