Du khách thích thú đi xem bộ xương động vật quý hiếm 'khổng lồ' ở Khánh Hòa
Bộ xương cá voi lưng gù đặt tại Viện Hải dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) đang thu hút đông người dân và du khách trong nước, quốc tế đến xem.
Theo Viện Hải dương học, năm 1994, trong quá trình đào mương thủy lợi, người dân xã Hải Cường (Hải Hậu, Nam Định) phát hiện bộ xương cá voi nói trên.
Lúc phát hiện, bộ xương đang nằm ở độ sâu 1,2m dưới lòng đất, cách biển gần 4 cây số theo đường chim bay. Bộ xương có chiều dài 18m, nặng 10 tấn, nhiều bộ phận đang dần phân hủy. Trọng lượng con cá voi này khi còn sống ước tính khoảng 60 tấn.
Biết đây là bộ xương của động vật quý hiếm nên trong quá trình khai quật, người dân tiến hành rất cẩn thận.
Sau khi khai quật và làm các thủ tục liên quan, bộ xương được đưa về Viện Hải dương học để nghiên cứu và trải qua nhiều công đoạn gian nan mới được phục dựng thành công.

Bộ xương cá voi lưng gù dài 18m tại Viện Hải dương học.
Họa sĩ Lê Vũ (trú Nha Trang, Khánh Hòa), người trực tiếp phục dựng bộ xương cá voi quý hiếm này chia sẻ, trong tâm thức của nhiều ngư dân Việt Nam, cá voi lưng gù là động vật họ rất trân trọng, có người còn gọi là "ông cá voi", "cá ông"… Vậy nên, khi được Viện Hải dương học mời phụ trách chính công tác phục dựng bộ xương, ông Vũ xác định phải cố gắng ở mức hoàn hảo nhất.
"Điều khó nhất là bộ xương cá voi này đã trải qua nhiều năm, một số phần đã phân hủy, phải kỳ công phân loại ra rồi làm khuôn để đúc. Làm xong từng khúc xương rồi mới gắn kết lên chiếc khung bằng i-nox đã dựng sẵn. Phần xương nào mất, mục nát thì thay thế bằng thạch cao. Mục tiêu cao nhất là phục dựng bộ xương giống y như thật", họa sĩ Lê Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, phải mất hơn 3 tháng, bản thân ông và các cộng sự ở Viện Hải dương học mới có thể hoàn thiện việc phục dựng bộ xương cá voi lưng gù dài 18m như hiện nay.

Du khách quốc tế đến xem bộ xương.
Dẫn đoàn khách quốc tế đến chiêm ngưỡng bộ xương cá voi lưng gù, anh Lê Văn Thịnh (làm nghề hướng dẫn viên du lịch) cho biết, các thông tin thú vị liên quan đến bộ xương cá voi lưng gù rất thu hút người nghe. Một số người còn ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy bộ xương cá dài tới 18m này.

Khách quốc tế chăm chú nghe thuyết minh về bộ xương cá voi lưng gù tại Viện Hải dương học.
Bà Vũ Hà (trú Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng chia sẻ: "Lần đầu xem bộ xương cá voi lưng gù được phục dựng hoàn hảo và hoành tráng thế này bản thân tôi và những du khách đi cùng rất ấn tượng. Đặc biệt, các thông tin về loài động vật quý hiếm này giúp tôi hiểu hơn về sự kỳ diệu của thế giới đại dương".

Hình ảnh bộ xương còn được chiếu lên bảng điện tử.
Thông tin từ Viện Hải dương học, ở dưới biển sâu nhưng cá voi lưng gù có thể phát ra chuỗi âm thanh réo rắt kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đặc biệt, trong môi trường đại dương, cá voi lưng gù con dùng âm thanh để giao tiếp với cá voi mẹ. Hiện nay, các nhà khoa học đang trong quá trình nghiên cứu về âm thanh của cá voi lưng gù để tiến hành giải mã ý nghĩa.