Du khách 'vỡ kế hoạch' vì mưa ngập ở Đà Lạt dịp hè
Đến Đà Lạt dịp hè, nhiều du khách quanh quẩn từ trưa đến tối tại nơi lưu trú vì ngoài trời mưa lớn, gió mạnh kèm theo ngập nước.
Nằm ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, được bao bọc bởi núi rừng, Đà Lạt có khí hậu khác biệt so với những vùng khác. Mùa mưa ở đây kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 nhưng không ổn định. Năm nay, mùa mưa đến sớm từ cuối tháng 5.
Nếu đến Đà Lạt vào thời điểm này, trời ít nắng, chỉ có những cơn mưa từ rả rích đến xối xả. Thời tiết thất thường cản trở việc đi lại, tham quan và trải nghiệm của du khách.
Hủy kế hoạch vui chơi vì mưa lớn
Theo Lê Quỳnh Như, người dân Đà Lạt, mưa thường bắt đầu khoảng 11-12h mỗi ngày, có ngày mưa vừa, có ngày mưa nặng hạt. Những cơn mưa thường dai dẳng đến tối, thậm chí có đá kèm theo. Với những ngày có độ ẩm trong không khí thấp, mưa sẽ tạnh sau 1-2 giờ.
Ngoài ra, một số nơi như đường Trần Quốc Toản (quanh hồ Xuân Hương), khu quy hoạch Yersin, Mạc Đĩnh Chi… nước mưa từ nhiều phía đổ về gây ngập và rút sau vài giờ.
Du khách Diễm Đào (đến từ Tiền Giang) vừa có chuyến du lịch tại Đà Lạt vài ngày trước. Nữ du khách đã thuê một căn phòng tầng trên, có view núi rừng tại Hillside House - Nhà Lưng Đồi nằm trong hẻm Đặng Thái Thân. Trong 2 ngày ở Đà Lạt, nữ du khách chỉ tham quan, vui chơi được 1-2 nơi vào buổi sáng.
"Từ 12h đến tối tôi chỉ quanh quẩn trong phòng vì mưa lớn kèm theo gió thổi mạnh. Mưa tuôn xối xả, ngập xăm xắp phần ban công khiến tôi không dám mở cửa. Cũng may là xung quanh có nhiều cây lớn chắn bớt, nếu không lượng nước có thể nhiều hơn, thậm chí chảy vào trong phòng", Diễm Đào nói.
Theo kế hoạch, Diễm Đào sẽ đi dạo hồ Xuân Hương, ghé chợ Đà Lạt, thăm rừng thông… và thưởng thức vài món ăn đặc trưng. Tuy nhiên, nữ du khách không thể thực hiện hết những hoạt động này. "Cơn mưa kéo dài làm chuyến du lịch không được trọn vẹn", du khách này bày tỏ.
Giống Diễm Đào, Nguyễn Ly Na (đến từ TP.HCM) cũng phải ngồi trú mưa trong một quán ăn gần 3 tiếng.
"Tôi ghé lẩu bò Nhà Gỗ để ăn trưa. Mưa bắt đầu từ 13h, tôi phải ngồi lại quán và dùng bàn che vì mưa bắn quá nhiều. Đến 14h30 thấy không ngớt nên tôi đội mưa, lội nước về lại khách sạn. Kế hoạch buổi chiều và tối không thực hiện được nữa", nữ du khách nói trong thất vọng.
Quyết định đến Đà Lạt vào cuối tháng 6, Thanh Phụng (đến từ Nha Trang) và vài người bạn đi cùng đã chuẩn bị tinh thần sẽ gặp những cơn mưa mát mặt.
"Ngày chúng tôi ở Đà Lạt thì gần 11h đã mưa nặng hạt đến đầu giờ chiều. Khoảng 13h30-14h30 trời kéo mây đen và tiếp tục mưa lớn", nữ du khách cho biết.
Vì không thể di chuyển đến những địa điểm khác trong thành phố, cả nhóm phải chọn một quán ngay trung tâm để tán gẫu, uống cốc cà phê nóng và bàn bạc về địa điểm dự định ghé vào buổi sáng hôm sau.
Thanh Phụng khá tiếc vì một phần kế hoạch bị hủy, nhưng trải nghiệm thời tiết vừa mưa vừa nắng cũng mang đến nhiều thú vị. "Thời tiết không trọn vẹn nhưng cũng vừa vặn cho một chuyến đi. Tầm 18h hơn thì mưa tạnh dần, nền nhiệt giảm, thích hợp để chúng tôi khoác áo lông và tận hưởng cuộc sống về đêm", người này chia sẻ.
Phố núi nhưng dễ ngập nếu mưa lớn
Đà Lạt ngập sau mưa không phải là vấn đề mới. Năm 2018, 2022 đã từng xảy ra tình trạng tương tự. Tuy nhiên, người dân vẫn bất ngờ vì mưa ở cường độ trung bình, phố núi vẫn ngập ở những vùng trũng như hôm 23/6. Một số người từ tỉnh khác đang cân nhắc lên Đà Lạt lập nghiệp cũng lưỡng lự.
Một du khách đến từ TP.HCM đã lưu lại đây 3 tháng cho biết bản thân chưa lường trước vấn đề Đà Lạt ngập lụt vào mùa mưa. "Tôi đang có kế hoạch chuyển lên Đà Lạt sống lâu dài vì quá thích nơi đây. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt cảnh nội ô xứ núi bị ngập như vậy", người này nói.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập sau mưa ở cao nguyên Lâm Viên, nhiều du khách có cùng quan điểm là do quá trình đô thị hóa nhanh. Họ cho rằng việc xẻ núi làm đường, xây dựng nhiều công trình dẫn đến Đà Lạt mất mảng xanh, hệ số thấm thấp. Cơ sở hạ tầng (CSHT) đô thị chưa đảm bảo gây ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch của khách.
ThS Vũ Triết Minh, giảng viên bộ môn Du lịch, khoa tiếng Pháp (Đại học Sư Phạm TP.HCM) cho biết CSHT đô thị, đặc biệt là đường sá, rất quan trọng đối với việc phát triển du lịch địa phương.
Thậm chí, một số quan điểm còn xếp CSHT (đường sá, cảng hàng không, bãi đậu xe...) vào nhóm tài nguyên du lịch thứ cấp, ngang hàng với cơ sở lưu trú và ăn uống. Tuy không phải là yếu tố thu hút du lịch theo đúng nghĩa, các tài nguyên thứ cấp này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo du khách tiếp cận điểm du lịch.
Hơn nữa, bản chất của du lịch là sự di chuyển từ nơi này tới nơi khác. Do đó, muốn phát triển du lịch tại một điểm thì trước hết phải phát triển hệ thống giao thông kết nối tới nơi đó.
"Việc đường sá ngập nước ở một đô thị du lịch như Đà Lạt sẽ ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của du khách. Nhìn chung, việc CSHT không được nâng cấp thường xuyên/quy hoạch mới sẽ kìm hãm sự phát triển du lịch tại địa phương. Chưa kể CSHT đô thị cũng có vai trò quan trọng trên mặt khác của đời sống, đặc biệt là về giao thương, kinh tế", vị này cho biết thêm.
Ngoài ra, một số du khách còn tỏ ra tiếc nuối vì khí hậu Đà Lạt đã không còn như trước. Nhiệt độ vào buổi trưa ở phố núi có hôm lên đến 26 độ C.
Ông Triết Minh cũng bày tỏ sự tiếc nuối cho Đà Lạt vì khí hậu là một trong những yếu tố thu hút khách. Tuy nhiên, theo ông, việc khí hậu khác trước một phần do Trái Đất đang nóng lên. Không chỉ riêng Đà Lạt, kể cả những nơi lạnh lẽo nhất như Bắc Cực hay Nam Cực thì nhiệt độ trung bình vẫn tăng.
Nếu muốn phát triển du lịch bền vững, ngoài yếu tố khí hậu, Đà Lạt vẫn có thể phát triển đa dạng các mảng dịch vụ du lịch khác để phục vụ du khách, không nên chỉ "đặt cược" vào yếu tố thiên nhiên về khí hậu.