Du khảo Nam Định cùng mô hình Ecohost

Xu hướng nghỉ dưỡng cuối tuần: Tìm về với thiên nhiên

(HNMCT) - Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ có đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên đa dạng và hệ sinh thái phong phú, Nam Định sở hữu thế mạnh về du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với trải nghiệm, khám phá văn hóa. Đây là hướng đi của mô hình du lịch cộng đồng Ecohost nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa...

Trải nghiệm đạp xe khám phá đồng quê Nam Định.

Những trải nghiệm khó quên

Có mặt tại trung tâm thành phố Nam Định từ rất sớm, đoàn khách hơn 20 người đến từ nhiều tỉnh, thành háo hức nghe ông Nguyễn Quang Trung - một huấn luyện viên môn đua xe đạp có nhiều năm kinh nghiệm, gắn bó với thể thao Việt Nam hướng dẫn cách sử dụng xe đạp chuyên dụng với những kỹ thuật cơ bản. Sau giây phút làm quen, cả đoàn vui vẻ lên đường khám phá các làng nghề, di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Nam Định.

Xuyên qua khu phố cổ thành Nam, qua chợ Rồng, cầu Đò Quan..., du khách vô cùng thích thú khi được thưởng thức “đặc sản” chỉ Nam Định mới có, đó là hàng trăm nhà thờ, chùa chiền và từ đường nối tiếp nhau trên con đường dài hàng chục cây số.

Điểm dừng chân đầu tiên của cả đoàn là làng Rạch - nơi nổi tiếng với phường rối nước Nam Chấn (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực). Tại đây, du khách được chính những người thợ kể về lịch sử hình thành nghệ thuật múa rối nước, quá trình hình thành một con rối và tự tay bào, đục hoặc sơn thếp con rối theo hướng dẫn.

Ông Đặng Văn Khi, Trưởng đoàn múa rối nước Hồng Quang cho biết: Là phường có lịch sử tồn tại lâu đời nhất ở Nam Định, phường rối Nam Chấn hiện có hơn 1.000 con rối với 40 tích trò được bảo tồn, khôi phục và phát triển từ nghệ thuật rối cổ để phục vụ du khách. Không chỉ tham gia biểu diễn, các thành viên của phường rối còn là những người trực tiếp sản xuất con rối. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc riêng khiến nghệ thuật rối ở làng Rạch không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.

Tạm biệt làng Rạch, du khách tiếp tục đạp xe trên con đường sạch sẽ, thoáng mát, hai bên phủ đầy hoa rực rỡ. Cảnh làng quê yên bình khiến du khách quên đi mệt mỏi để tiếp tục quãng đường hơn 60km về huyện Hải Hậu thăm làng nghề đan lưới Tân Minh (xã Hải Triều) và di tích “nhà thờ đổ” (xã Hải Lý). Tại đây, du khách sẽ tìm hiểu cuộc sống của ngư dân làng chài, nghe những câu chuyện hấp dẫn về sự biến mất của làng chài Xương Điền cùng các nhà thờ xung quanh.

Hoàng hôn buông xuống là lúc du khách trở về nghỉ ngơi tại Ecohost Hải Hậu để hôm sau tiếp tục hành trình tham quan nhà thờ Phạm Pháo, cầu Ngói - chùa Lương, làng kèn đồng Hải Minh, nhà thờ Bùi Chu và Vườn quốc gia Xuân Thủy... Tất cả đều mang những nét độc đáo, đặc trưng nhất của làng quê duyên hải Bắc Bộ, gần gũi mà đậm chất văn hóa truyền thống chỉ có ở Nam Định.

Phát triển bền vững

Không chỉ đơn thuần ăn, ở cùng người dân bản địa như các mô hình du lịch cộng đồng khác, Ecohost Hải Hậu mang đến cho du khách những trải nghiệm để có thể tìm hiểu văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng đất này. Với khuôn viên rộng khoảng 1.000m2, Ecohost Hải Hậu gồm 3 khu nhà 3 gian cổ với mái ngói ta, cửa bức bàn; nội thất bên trong hoàn toàn bằng gỗ. Đặc biệt, trong các khu nhà không có ti vi, tủ lạnh.

Để du khách hòa hợp với thiên nhiên và văn hóa bản địa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ngoài việc giữ nguyên những kiến trúc cổ của ngôi nhà, Ecohost Hải Hậu cũng khuyến nghị du khách không dùng đồ nhựa một lần, hạn chế rác thải có hại cho môi trường. Chị Trần Thị Minh Đức, nhân viên Công ty Du lịch Vietrantour chia sẻ: “Tôi đã trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi nhưng Ecohost Hải Hậu cho tôi thấy thông điệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững một cách rất rõ ràng.

Thay vì dùng các chai nước thông thường, chúng tôi được khuyến nghị mang theo bình nước cá nhân để tiếp nước hay tự mang theo bàn chải, khăn mặt nhằm hạn chế đồ dùng một lần như ở khách sạn. Ngoài ra, để giảm thiểu chất thải có hại, tại đây còn sử dụng chất tẩy rửa được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên. Chính những chi tiết nhỏ ấy đã mang một thông điệp lớn về bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cho du khách”.

Không chỉ hướng tới việc xây dựng môi trường bền vững, Ecohost Hải Hậu còn chú trọng bảo vệ các yếu tố văn hóa truyền thống bản địa. Bà Bùi Thị Nhàn, CEO của Ecohost Hải Hậu cho biết: “Văn hóa truyền thống bản địa tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho sản phẩm du lịch. Tôi cố gắng mang tới cho du khách những cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong cuộc sống hằng ngày hay các di sản đã được trao truyền qua bao thế hệ. Đó có thể là các đặc sản, thức quà bình dị của Nam Định như: Nem nắm, bánh nhãn, gạo nếp cho đến nghệ thuật hát văn, múa rối nước làng Rạch hay điệu múa Sơn Quân đang có nguy cơ thất truyền... Những di sản văn hóa ấy chính là nền tảng để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững”.

Phát triển du lịch bền vững đã và đang là xu thế tất yếu của du lịch thế giới hiện nay. Du lịch muốn phát triển lâu dài không thể chỉ khai thác tiềm năng sẵn có mà phải chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là tạo sinh kế cho người dân bản địa. Muốn vậy, ngoài giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch còn cần quan tâm đến việc tiêu thụ nông sản do chính người nông dân làm ra.

Ecohost Hải Hậu đã giúp người dân tăng sản lượng và quảng bá cho thương hiệu bột Hoàng Thanh, mật ong sú vẹt - những đặc sản độc đáo của vùng đất Nam Định để phục vụ nhu cầu làm quà cho người thân của du khách. Nhờ vậy, thu nhập trung bình hằng năm của cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu đã có sự thay đổi đáng kể, ở mức khoảng 300 - 500 triệu đồng/ năm. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho một mô hình mới như Ecohost Hải Hậu và cộng đồng địa phương nơi đây.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/941610/du-khao-nam-dinh-cung-mo-hinh-ecohost