Du khảo trên dòng Cu Đê

Sông Cu Đê có lưu vực sông lớn nhất thành phố Đà Nẵng với chiều dài gần 40km, chảy giữa những cánh rừng đại ngàn hoang dã Nam Hải Vân. Đây cũng là dòng sông mang nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng. Dòng sông cũng đã đi vào thơ ca đẹp dịu dàng như hình ảnh của cô thôn nữ chèo đò đưa bộ đội qua sông trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Non nước hữu tình trên dòng Cu Đê. Ảnh: Tiên Sa

Non nước hữu tình trên dòng Cu Đê. Ảnh: Tiên Sa

Sông Cu Đê (hay còn gọi sông Trường Định) là một dòng sông tại phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng. Sở dĩ gọi là sông Cu Đê vì phần hạ lưu sông chảy qua làng Cu Đê. Thượng nguồn sông ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), hạ nguồn là cửa biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), cách chân đèo Hải Vân chừng 5km. Toàn chiều dài của sông tính từ xã Hòa Bắc tới biển là gần 40km.

Sông Cu Đê được hợp thành bởi hai dòng sông Bắc và sông Nam đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Sông Bắc xuất phát trên dãy Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Sông Nam xuất phát từ vùng núi của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Hai sông Bắc và Nam giao nhau tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) ở vị trí cầu Sập (nay là cầu Tà Lang - Giàn Bí). Từ Tà Lang, sông chảy theo hướng Tây - Đông rõ rệt qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và đổ ra vịnh Đà Nẵng ở cửa biển Cu Đê. Gần 80% chiều dài của sông chảy trên địa phận của huyện Hòa Vang (30km).

Du khảo bằng thuyền máy từ cầu sắt Nam Ô, ngược dòng sông lên hướng thượng nguồn, du khách sẽ qua bao làng mạc xanh tươi trù phú; những bãi ngô, bãi mía xanh tốt một màu, non nước hữu tình, thơ mộng, đậm nét hoang sơ kỳ thú. Vừa ngao du sông nước, vừa ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ. Dọc hai bên bờ sông là những chiếc thuyền đánh cá nhỏ của ngư dân, những lồng bè nuôi cá, nuôi tôm...

Ghé thôn Trường Định, chúng tôi gặp cây cầu to đẹp vừa xây dựng bắc qua sông, chấm dứt cảnh đò giang cách trở bao đời. Nơi đây được xem là thôn anh hùng của huyện Hòa Vang. Có một thời, đây là nơi bom đạn ác liệt, nơi nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, địch thường kéo đến đây càn quét dân làng. Nhưng bom đạn không sao khuất phục được sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường, không quản ngại hy sinh của người dân nơi đây. Và Trường Định có 26 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 116 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Tiếp tục cuộc hành trình, du khách bắt gặp cây cầu dây văng Phò Nam nối liền hai thôn Phò Nam và Nam Yên. Cây cầu như điểm tô thêm cảnh đẹp của con sông. Thuyền máy tiếp tục lên vịnh Dài, là vịnh nước dài, rộng nhất trên sông Cu Đê có cảnh quan thơ mộng, nước sâu xanh ngắt. Đoạn sông qua vịnh, hai bờ chen chúc cây xanh tỏa bóng mát rượi. Phía trên vịnh Dài còn có thác Dài, thác Ba, đẹp cũng không kém.

Cuối cùng, thôn Giàn Bí và Tà Lang đã hiện ra. Tại đây có cầu Tà Lang - Giàn Bí vừa khánh thành năm ngoái và được đưa vào sử dụng. Khu vực này cũng là điểm “giao thủy” của sông Nam, sông Bắc tạo thành sông chính Cu Đê. Ngay tại “ngã ba sông” này, có vũng Bọt mà phong cảnh rất hoang sơ, kỳ thú. Khu vực này có 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang, du khách có cơ hội khám phá, tìm hiểu những lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào Cơ Tu bản địa.

Vùng thượng lưu sông Cu Đê có một loại đặc sản nổi tiếng, đó là “cá bống Cu Đê” do sinh sống trên cát ở đáy sông nên thịt dai, trắng và béo ngọt. Trước khi rời khu vực này, du khách thưởng thức bữa cơm quê với cá bống kho tiêu, kho nghệ cùng với rau rừng mang lại dư vị khó quên.

Du khảo theo dòng sông Cu Đê hiền hòa, thơ mộng; du khách có dịp nhìn thấy những bè lồng nuôi cá diêu hồng san sát; ghe thuyền của giới thương hồ ngược xuôi giao thương sản vật giữa miền núi và đồng bằng. Điều đặc biệt, du khách bùi ngùi bắt gặp hàng chục di tích ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc trong công cuộc chiến đấu anh dũng với quân Chiêm (thế kỷ XIII, XIV) và quân Pháp (1860) trên bước đường khai cư mở cõi và bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Tiên Sa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-khao-tren-dong-cu-de-post437833.html