Dự kiến 1.400 tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi

Chiều 9-11, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết dự kiến đầu tư 1.400 tỷ đồng để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Chiều 9-11, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết dự kiến đầu tư 1.400 tỷ đồng để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ban hành chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết số 12 để triển khai.

“Có thể nói, đây là một quyết sách ý Đảng, lòng dân nhằm mục tiêu là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Làm thế nào để nâng cao dân trí, nâng cao khả năng, tạo công ăn việc làm, tiếp cận với các kỹ năng lao động, sản xuất ngành nghề, nhất là đào tạo một lớp trẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế,...”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, dự kiến số vốn đầu tư thực hiện Đề án là 1.400 tỷ và thời gian thực hiện được chia ra làm hai kế hoạch 5 năm, từ 2021-2026 và 2026-2030.

“Theo đề án dự kiến là trong 10 năm và đề ra trong một khoảng thời gian dài như thế với số vốn rất lớn như thế thì cử tri rất băn khoăn về tính khả thi của nó là đúng. Nhưng đây là một quyết tâm rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng cho biết giải pháp thứ nhất là nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2030.

“Như vậy, xác định đây là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã chuẩn bị tích cực, bố trí đủ nguồn vốn theo tiến độ, về cơ bản sẽ triển khai thực hiện ngay từ năm 2021, các chỉ tiêu đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia thấp hơn so với Nghị quyết 88 của Quốc hội vì Nghị quyết xác định thực hiện 10 năm, chương trình mục tiêu quốc gia xác định là 5 năm 2021-2025. Phần còn lại tiếp theo cho kế hoạch 5 năm sau là 2026-2030. Do vậy, kết thúc năm 2030 cơ bản sẽ đạt được mục tiêu của Quốc hội đã xác định”, Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.

Về nội dung cử tri quan tâm là huy động nguồn lực thế nào để thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết xác định rất rõ là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng quyết định để huy động các nguồn lực khác.

“Đây là một điểm rất mới, rất quan trọng vì chính sách thì phải đi liền với ngân sách, nếu không thì không đạt được mục tiêu. Mặt khác, các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đều là địa phương khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Do vậy, bổ sung nguồn lực từ Trung ương là một điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu của Nghị quyết”, Phó Thủ tướng nói.

Về tổ chức thực hiện đề án chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp tỉnh, các bộ, ngành và Chính phủ chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra. Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để làm đối chứng, một việc không hoàn thành hoặc có sai sót, chậm tiến độ thì sẽ xác định trách nhiệm của người chịu trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng, Đề án chương trình mục tiêu quốc gia tuy có vốn ngân sách khá lớn, nhưng đối với từng công trình thì chỉ thuộc loại nhỏ hoặc vừa và đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, do đó Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tăng cường sự giám sát của nhân dân.

“Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, tới đây sẽ hướng dẫn các tỉnh giao trách nhiệm cho một đầu mối theo dõi, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện đề án. Định kỳ sơ kết, tổng kết, hằng năm báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện để Quốc hội giám sát và có ý kiến. Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp và cố gắng sẽ triển khai đầy đủ nghị quyết này bằng những kế hoạch cụ thể từng hạng mục công trình, từng yêu cầu, mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cam kết Chính phủ sẽ có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lãng phí, bảo đảm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trực tiếp đến đối tượng được thụ hưởng.

“Với các nội dung giải pháp nêu trên, chúng ta có một niềm tin là với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội, quyết tâm của Chính phủ thì chắc chắn nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống và chúng ta sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng nói.

NGUYÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/du-kien-1-400-ty-dong-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-623836/