Dự kiến 18/5 nhiều cựu lãnh đạo VEAM hầu tòa vì gây thiệt hại hàng trăm tỷ

TAND TP Hà Nội ra quyết định ngày 18/5 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần.

Ông Trần Ngọc Hà (trái).

Ông Trần Ngọc Hà (trái).

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Trần Ngọc Hà (SN 1964, nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên TGĐ VEAM), Lâm Chí Quang (SN 1954, nguyên TGĐ VEAM), Vũ Từ Công (SN 1968, nguyên Kế toán trưởng VEAM), Đào Quốc Việt (SN 1951, nguyên GĐ Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM – Vetranco), Trần Quang Tiến (SN 1970, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Nam) và 12 bị cáo khác. 17 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Có tổng số 33 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, trong đó bị cáo Trần Ngọc Hà có 4 luật sư bào chữa.

Theo cáo trạng, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công Thương (trong đó vốn Nhà nước hơn 88%). Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM. Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty Công ty cổ phần Đầu tư Minh Quang, Công ty cổ phần Thép Minh Quang, Công ty cổ phần đầu tư Tương Lai và Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.

Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến vay để hưởng lãi theo lãi suất cho vay của ngân hàng cộng với chênh lệch từ 0,8% - 1,25% giá trị tiền vay. Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5/2013 – 8/2013, gây thiệt hại cho Vetranco số tiền gần 183 tỷ đồng.

Mặt khác, khi thực hiện Dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết và thực hiện 2 Thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển xe ô tô tay lái bên phải của lãnh đạo VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 66 tỷ đồng…

Liên quan đến vụ án, đối với một số cán bộ, cá nhân thuộc: HĐTV VEAM, Phòng Kỹ Thuật đầu tư, Phòng Kinh doanh, Phòng Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQT Vetranco, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị Vetranco… VKSND tối cao xác định là có liên quan đến sai phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. Do đó, VKS kiến nghị với cơ quan quản lý VEAM, Bộ Công Thương xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với những cán bộ, cá nhân này.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-kien-18-5-nhieu-cuu-lanh-dao-veam-hau-toa-vi-gay-thiet-hai-hang-tram-ty-post445509.html