Dự kiến bãi bỏ 92 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Y tế
Bộ Y tế rút gọn quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới cùng với nhiều nội dung rút gọn, bãi bỏ khác. Tổng cộng lên đến 92 thủ tục hành chính dự kiến bãi bỏ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh cho biết từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành đã giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc đối với người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ chế huy động trong phòng chống dịch, vấn đề xã hội hóa, giá dịch vụ và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, Luật và các văn bản hướng dẫn đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Trước đó, Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong đó có một số nội dung mới. Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, ban hành 34 thủ tục hành chính mới, 3 thủ tục hành chính thay thế để thực hiện Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.
Theo đó, đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…
Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đã có sự điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn và đồng thời giải quyết nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh lưu động đã được quy định cụ thể, đặc biệt quy định cụ thể điều kiện, danh mục bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa là một điểm mới trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được cụ thể hóa.
Phân cấp chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định với các tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học. Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật không phụ thuộc vào cấp hành chính mà hoàn toàn căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định liên quan đến đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là căn cứ pháp lý cho việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc từng dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc áp dụng, thừa nhận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc nước ngoài, ra đời các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ rút gọn quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới. Theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới.
Một trong những nội dung đã được bổ sung vào Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hóa Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.