Dự kiến điểm chuẩn đại học ngành Sư phạm năm 2025

Năm 2025, với những thay đổi trong phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu, điểm chuẩn đại học của ngành sư phạm được dự báo sẽ tiếp tục phản ánh chất lượng đào tạo cao và sức hút mạnh mẽ.

Dự kiến điểm chuẩn đại học ngành Sư phạm

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều trường đại học trong đó đại học ngành Sư phạm có dự báo điểm chuẩn xét tuyển năm nay.

Theo các chuyên gia, dữ liệu điểm thi cho thấy, số lượng thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên năm nay giảm mạnh so với năm ngoái.

Theo ghi nhận, Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong khối ngành sư phạm với điểm chuẩn ở mức cao. Năm 2024, Trường ghi nhận hai ngành đạt mức điểm kỷ lục 29,3: Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử.

Sư phạm Địa lý cũng theo sát với 29,05 điểm. Đáng chú ý, có tới 7 ngành đào tạo của trường cán mốc từ 28 điểm trở lên, bao gồm:

Giáo dục Chính trị (28,83 điểm).

Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,83 điểm).

Giáo dục Công dân (28,6 điểm).

Giáo dục Quốc phòng và An ninh (28,26 điểm).

Thí sinh muốn trúng tuyển vào 7 ngành này tại Đại học Sư phạm Hà Nội cần đạt trung bình tối thiểu 9,42 điểm mỗi môn.

Với Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, năm 2024, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên ghi nhận điểm chuẩn cao nổi bật ở các ngành thuộc khối Khoa học Xã hội. Sư phạm Lịch sử dẫn đầu toàn trường với 28,6 điểm.

Bên cạnh đó, hàng loạt ngành xã hội khác cũng thu hút lượng lớn thí sinh với mức điểm trên 28, bao gồm:

- Sư phạm Ngữ văn: 28,56 điểm.

- Sư phạm Địa lý: 28,43 điểm.

- Giáo dục Chính trị: 28,31 điểm.

- Sư phạm Lịch sử - Địa lý: 28,27 điểm.

Đối với các ngành thuộc khối Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Toán là ngành có điểm chuẩn cao nhất, đạt 26,37 điểm.

Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ghi nhận nhiều ngành có điểm chuẩn cao kỷ lục năm 2024. Nổi bật nhất là Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, cùng đạt 28,83 điểm. Ngành mới Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng không kém cạnh với 28,42 điểm.

Nhiều ngành khác như Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Công dân, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Sư phạm Tiếng Anh đều có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên.

Trong khi phần lớn các ngành Sư phạm duy trì điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên, thì Giáo dục Thể chất có mức thấp nhất là 20 điểm và Sư phạm Tin học đạt 24,85 điểm.

Trường Đại học Hải Phòng, năm 2024 các ngành đào tạo sư phạm cũng lấy điểm chuẩn cao nhất trường.

Ngành Sư phạm ngữ văn lấy 26,5 điểm, Sư phạm toán lấy 25,75 điểm. Tính trên thang điểm 30, ngành Giáo dục mầm non có điểm chuẩn thấp nhất là 21,5.

Năm 2024, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội lấy điểm các ngành Sư phạm ngữ văn, lịch sử, lịch sử - địa lý có chung mức điểm chuẩn là 28,76.

Kỷ lục về điểm chuẩn của trường là Giáo dục tiểu học với 28,89 điểm.

Khối ngành sư phạm các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh và Khoa học tự nhiên có chung điểm chuẩn là 26,58.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Chỉ tiêu tuyển sinh Đại học Sư phạm Hà Nội 2025

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên cho 50 ngành và chương trình đào tạo chính quy, tăng gần 600 chỉ tiêu so với năm 2024. Đáng chú ý, trường mở thêm 5 ngành mới, bao gồm: Công nghệ sinh học, Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Các ngành này được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển giáo dục hiện đại.

Trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh chính, bao gồm: xét tuyển thẳng (XTT1, XTT2, XTT3), xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT (PT1), xét tuyển học bạ (PT2), xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do HNUE hoặc ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức (PT3), và xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT (PT4).

Các ngành như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Mầm non và Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh yêu cầu thí sinh tham gia kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức. Đối tượng tuyển sinh bao gồm thí sinh đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) và có hạnh kiểm cả 6 học kỳ đạt loại Khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm, thí sinh cần có học lực 3 năm THPT xếp loại Tốt hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Cách tính điểm chuẩn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025

Điểm chuẩn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2025 được xác định dựa trên tổng điểm xét tuyển (ĐXT) theo từng phương thức, quy về thang điểm 30, tính cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Cụ thể:

Phương thức 1 (PT1) - Xét điểm thi tốt nghiệp THPT: Điểm xét tuyển (ĐXT) là tổng điểm 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành, cộng với điểm ưu tiên (ĐƯT) nếu có. Công thức tính ĐƯT = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Điểm xét tuyển được làm tròn đến 2 chữ số thập phân, lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Nếu nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn và vượt chỉ tiêu, trường áp dụng tiêu chí phụ, ưu tiên thứ tự nguyện vọng cao hơn (nguyện vọng 1 là cao nhất).

Phương thức 2 (PT2) - Xét học bạ: Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình chung cả năm (TĐTBCCN) lớp 10, 11, 12 của tổ hợp môn theo quy định, cộng điểm ưu tiên nếu có. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên có thể được cộng điểm khuyến khích (n1, n2 ≤ 1).

Phương thức 3 (PT3) - Xét điểm thi đánh giá năng lực (SPT): Điểm xét tuyển được quy đổi theo phương pháp bách phân vị, đảm bảo tương quan với điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa trên dữ liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Điểm thô của thí sinh (tùy theo tổ hợp, có thể nhân hệ số môn chính) được quy đổi về thang 30, cộng điểm ưu tiên nếu có.

Phương thức 4 (PT4) - Kết hợp điểm thi năng khiếu: Đối với các ngành yêu cầu thi năng khiếu, điểm xét tuyển là tổng điểm thi năng khiếu (nhân hệ số 2, nếu có) kết hợp với điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, cộng điểm ưu tiên. Thí sinh đạt điểm năng khiếu xuất sắc (từ 9,0/10 trở lên) chỉ cần tốt nghiệp THPT để trúng tuyển vào các ngành như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất.

Phương thức xét tuyển thẳng (XTT1, XTT2, XTT3): Thí sinh đáp ứng các điều kiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển. Tiêu chí phụ bao gồm tổng điểm trung bình môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ lớp 10, 11, 12 hoặc điểm thi năng khiếu.

Quy trình xét tuyển năm 2025 của HNUE được thực hiện theo các bước: nhận dữ liệu điểm thi từ Bộ GD&ĐT, quy đổi điểm theo bách phân vị (nếu cần), xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, và công bố kết quả trước 17h00 ngày 22/8/2025. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT trước 17h00 ngày 27/8/2025.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/du-kien-diem-chuan-dai-hoc-nganh-su-pham-nam-2025-172250721120401412.htm