Dự kiến điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học và trung học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn học cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế.
Việc giảm tải nội dung dạy học môn dự kiến được thực hiện ở rất nhiều môn học̣ như Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Âm nhạc, Địa lý… với bậc Tiểu học; môn Toán, Văn, Sử, Địa, Tin, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân... của bậc Trung học.
Một số đề xuất điều chỉnh nội dung dạy các môn học bậc Tiểu học
Đối với môn Tiếng Việt, lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo: Về phần học vần, đối với bài Dạy âm vần mới có thể giảm số câu hỏi trong mục Luyện nói (giảm từ 1-3 câu, do giáo viên chọn); đối với bài Ôn tập, chưa yêu cầu tất cả học sinh kể chuyện trong mục Kể chuyện.
Về phần Luyện tập tổng hợp, đối với bài Tập đọc cần chú trọng kĩ năng đọc trơn, hướng dẫn học sinh ngắt nghỉ hơi đúng chỗ có dấu câu nhưng chưa đặt thành yêu cầu đánh giá kĩ năng đọc. Đối với bài Kể chuyện, chưa yêu cầu kể lại toàn bộ câu chuyện và chưa yêu cầu phân vai tập kể lại câu chuyện.
Bộ hướng dẫn, đối với lớp 4 và lớp 5, một số yêu cầu cần đạt điều chỉnh theo hướng:
- Phân môn Tập đọc: Chú ý yêu cầu đọc hiểu, trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài, giọng đọc phù hợp với nội dung bài.
- Phân môn Chính tả: Thay hoặc bớt ngữ liệu dài và khó cho các bài luyện tập chính tả.
- Phân môn Tập làm văn: Thay một số nội dung, đề bài gần gũi với học sinh. Không dạy một số bài khó.
- Phân môn Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe đã đọc, có thể cho học sinh kể lại chuyện trong sách giáo khoa hoặc nghe giáo viên đọc, kể tại lớp rồi kể lại; Kể chuyện chứng kiến tham gia, không dạy một số bài khó.
- Phân môn Luyện từ và câu: Các bài dạy khái niệm mới chỉ yêu cầu nhận diện, chưa yêu cầu hiểu bản chất khái niệm...
Đối với nội dung dạy học môn Toán ở tiểu học, sẽ tiếp tục điều chỉnh một số yêu cầu thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Toán các lớp 1, 2, 3, 4, 5 theo hướng giảm cơ bản, tinh giản, thiết thực hơn nữa. Giảm bớ một cách hợp lý mức độ khó của các kiến thức lý thuyết, có thể không dạy cả bài học hoặc chuyển sang dạng có tính chất giới thiệu như bài học thêm theo nguyên tắc lấy chuẩn kiến thức, kỹ năng Toán làm cơ sở và không gây xáo trộn, không phá vỡ logic của chương trình Toán hiện hành...
Đề xuất điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT
Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với cấp THCS và THPT, mục tiêu của việc điều chỉnh nội dung dạy học là để phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường.
Việc điều chỉnh nội dung dạy học được thực hiện theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, các câu hỏi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lý thuyết, để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với các bài, các phần không dạy thì giáo viên dùng thời lượng của các bài, các phần này dành cho các bài, các phần khác hoặc sử dụng để luyện tập, củng cố, hướng dẫn thực hành cho học sinh. Không ra bài tập và không kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh vào những nội dung được hướng dẫn là ”không dạy” hoặc ”đọc thêm”. Tuy nhiên, giáo viên, học sinh vẫn có thể tham khảo các nội dung đó để có thêm sự hiểu biết cho bản thân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị việc góp ý liên quan đến cấp tiểu học gửi về địa chỉ Vụ Giáo dục Tiểu học, liên quan đến cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gửi về Vụ Giáo dục Trung học.