Dự kiến giám sát về bảo vệ môi trường tại 5 thành phố Trung ương
5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Cần Thơ, Hải Phòng; cùng 10 địa phương được đưa vào diện giám sát về bảo vệ môi trường.
Giám sát trực tiếp tại 15 địa phương
Ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Theo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, đối tượng giám sát gồm Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.
Kế hoạch xác định tổ chức 4 Đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng; TP Cần Thơ, các tỉnh Bình Dương, Long An, Trà Vinh; TP Hải Phòng, các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh; các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng). Bên cạnh đó, tổ chức làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế; tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam.
Chuyển biến sau giám sát
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, bên cạnh việc đi giám sát tại một số địa phương thì cần xác định nội dung trọng tâm trên phạm vi cả nước để tránh dàn trải. Ví như kinh tế tuần hoàn có ở nhiều địa phương và đây là mô hình giải quyết ô nhiễm rất tốt, trước đây là mô hình Biogas.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, vấn đề rác thải sinh hoạt, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm tại khu đô thị, sông, ven biển sau giám sát phải có chuyển biến cụ thể. Đồng thời, cần đưa ra dự báo về rác thải điện tử như pin, xe điện, pin mặt trời. Đây là vấn đề có nguy cơ trong tương lai. Do đó cần có dự báo và đánh giá chứ không hề đơn giản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chỉ rõ, sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, vấn đề thủ tục hành chính và hướng dẫn tiêu chuẩn quy chuẩn trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn nhiều nhiêu khê.
“Khảo sát trên đường Đông Trường Sơn cho thấy, tuyến đường đã đưa vào sử dụng hơn 10 năm, giờ còn đoạn cuối lại yêu cầu đánh giá tác động môi trường toàn tuyến thì mới phê duyệt. 5 năm nay, Đoàn khảo sát của Quốc hội đã đi về và có ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa xong đánh giá tác động môi trường, chưa đầu tư xây dựng để nối tuyến Đông Trường Sơn trong khi đây là con đường huyết mạch”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho hay, trong giám sát tối cao thì cần khoanh phạm vi. Quốc hội chỉ giám sát đối với các cơ quan Chính phủ. Đoàn giám sát của Quốc hội đi giám sát tại địa phương là để có căn cứ thực tiễn để làm việc với Chính phủ. Còn giám sát tại địa phương thì giao cho đoàn ĐBQH và HĐND ở địa phương để thực hiện. Qua đó, từng bước đổi mới hoạt động giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cũng cho rằng, trong giám sát cần lựa chọn các địa phương, đưa ra các tiêu chí lựa chọn địa phương để giám sát kỹ hơn. Ví như Hà Nội quan tâm giám sát về chất lượng không khí. Còn Thái Nguyên là nơi có nhiều làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải thì quan tâm giám sát về vấn đề xử lý nước thải tại các làng nghề.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề: Đa phần rác thải là thực hiện chôn lấp, ít có địa phương có nhà máy đốt rác. Do đó, trong giám sát cần chỉ rõ những địa phương làm tốt xử lý rác thải, địa phương chưa thực hiện tốt xử lý rác thải. Rồi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải? xả lý nước thải có đảm bảo hay không? hay xả thẳng ra kênh, ra sông?. Đây là những vấn đề cần đánh giá cho kỹ.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong giám sát cần chỉ ra các hạn chế, xử lý dứt điểm hiện tượng “nóng” về môi trường tại các địa phương, tìm được nguyên nhân chủ quan, khách quan ở từng đơn vị địa phương xem có quan tâm đến môi trường hay không?. Không chỉ quản lý nhà nước mà còn ý thức của người dân, từng hộ dân phải phân loại rác, không xả rác bừa bãi. Đặc biệt là quan tâm tới vấn đề rác thải y tế, rác thải y tế nếu xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng tới vấn đề môi trường. Rất nguy hiểm. Rồi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với việc bảo vệ môi trường.
“Đây là chuyên đề nóng, trúng, đúng nên cần nhiều đoàn đi, khảo sát nắm tình hình chứ không phải chỉ đi trong 1-2 ngày. Vừa qua nhiều Đoàn giám sát đã thực hiện rất tốt. Như trong giám sát về vấn đề nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản đã có báo cáo khá dài, đầy dặn và chỉ ra nhiều điểm chưa được”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.