Dự kiến GVMN thực hiện nhiệm vụ phổ cập được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng

Dự thảo Nghị định hướng dẫn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi có thêm nhiều đối tượng được hưởng hỗ trợ của Nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi để lấy ý kiến đến ngày 5/7/2024.

Một số nội dung được xây dựng trong Dự thảo lần này dựa trên việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và Nghị định số Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

 Sẽ có thêm nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên mầm non từ năm học 2025-2026. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Sẽ có thêm nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên mầm non từ năm học 2025-2026. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bổ sung, sửa đổi đối tượng được hưởng chính sách

Theo đó, các quy định của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo mới được hưởng các chính sách. Cụ thể:

Nhóm đối tượng đầu tiên là trẻ em độ tuổi mẫu giáo “có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; xã khu vực III, khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (không bao gồm các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng khó khăn, xã khu vực I và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền.”

Nhóm đối tượng thứ hai là “trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.”

Nhóm đối tượng thứ ba là “nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đang học tại cơ sở giáo dục mầm non.”

Trẻ em mẫu giáo thuộc ba nhóm này và các đối tượng đã được quy định trước đây sẽ được hưởng mức hỗ trợ ăn trưa mới là 360.000 đồng/trẻ/tháng. Số tiền này này tăng 200.000 đồng/trẻ/tháng so với quy định trước đó tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Thời gian hỗ trợ vẫn tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Nhóm đối tượng mới đầu tiên cũng sẽ được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026, tính từ ngày 1 tháng 9 năm 2025. Trong khi đó, trẻ em mẫu giáo là con công nhân, người lao động làm việc ở các khu công nghiệp (nhóm đối tượng mới thứ hai) được bổ sung vào Điều 18, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập.

Ngoài ra, đối tượng được miễn học phí còn được mở rộng thêm trẻ em mẫu giáo có cha hoặc có mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng trên thuộc diện hộ nghèo mới được hưởng chính sách này.

 Trẻ em mẫu giáo một số nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm tiền ăn trưa. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Trẻ em mẫu giáo một số nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm tiền ăn trưa. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chính sách thu hút, hỗ trợ nhân lực thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo

Theo Dự thảo, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập được tuyển dụng mới theo quy định của pháp luật từ năm học 2025-2026 để trực tiếp dạy các lớp mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đáp ứng nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Các giáo viên mầm non này được hưởng chính sách thu hút tối thiểu một năm tiền lương cơ bản và phải cam kết công tác tại cơ sở giáo dục mầm non ít nhất 5 năm.

Trong khi đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo sẽ được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng.

Dự thảo quy định mức hỗ trợ trên không kéo dài quá 9 tháng/năm học. Thời gian hưởng trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể xây dựng mức hỗ trợ cao hơn quy định tại Nghị định này cho các nhóm đối tượng trên phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

Hằng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục mầm non lập danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách gửi về phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trường hợp cơ sở giáo dục mầm non trực thuộc sở giáo dục và đào tạo hoặc cơ quan khác, hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non nộp danh sách giáo viên được hưởng chính sách về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, đồng thời gửi phòng giáo dục và đào tạo nơi cơ sở giáo dục mầm non đóng trụ sở trên địa bàn để theo dõi, tổng hợp.

Cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho giáo viên;

Thời gian chi trả thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 chi trả vào tháng 12 hằng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 5 hằng năm;

Trường hợp giáo viên chưa nhận được kinh phí hỗ trợ theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo;

Trường hợp giáo viên nghỉ việc, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.

 Giáo viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ 3-5 tuổi có thêm chính sách thu hút tối thiểu 1 năm lương cơ bản. (Ảnh minh họa: Lã Tiến

Giáo viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ 3-5 tuổi có thêm chính sách thu hút tối thiểu 1 năm lương cơ bản. (Ảnh minh họa: Lã Tiến

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non

Một nội dung mới cũng được ban hành trong Dự thảo là quy định về tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo theo các cấp.

Theo đó, trẻ em được công nhận hoàn thành Chương trình giáo dục mẫu giáo theo độ tuổi là trẻ em được học 2 buổi/ngày trong thời gian một năm học (9 tháng) theo Chương trình giáo dục mẫu giáo tương ứng với từng độ tuổi (3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi, 5 - 6 tuổi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; trong đó, số ngày nghỉ học không quá 45 ngày/năm học.

Đối với xã, phường, thị trấn, quy định nêu rõ tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đến lớp đạt ít nhất 90%; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 85%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo hoàn thành Chương trình giáo dục mẫu giáo theo độ tuổi hằng năm đạt ít nhất 85%; đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Đáng chú ý, Dự thảo cũng nêu rõ kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo được ưu tiên cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp và nguồn huy động của các tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Để đạt được những mục tiêu và thực hiện các chính sách trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật về thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; xây dựng và ban hành quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể và quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng là cơ quan hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phục vụ yêu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo; hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng người tham gia dạy học, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng đội ngũ, chương trình đào tạo để đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo;...

Minh Quân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-kien-gvmn-thuc-hien-nhiem-vu-pho-cap-duoc-ho-tro-toi-thieu-960000-dongthang-post243704.gd