Dự kiến kiểm toán cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không Long Thành trong năm 2024
Năm 2024, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ là một trong những nội dung kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Tại phiên họp thứ 26 ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2024 (dự kiến). Theo kế hoạch dự kiến, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 là 123 nhiệm vụ.
Kiểm toán sân bay Long Thành giai đoạn 1, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những nhiệm vụ năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, ông Doãn Anh Thơ cho biết, dự kiến sẽ thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, sẽ lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 như: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường.
Về ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách của 10 Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 Bộ, cơ quan trung ương, kiểm toán tại 61 địa phương.
Theo ông Doãn Anh Thơ, Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Lĩnh vực chuyên đề, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng. Đơn cử như kiểm toán, thanh tra "việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước" nhằm đánh giá quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự kiến năm 2024 sẽ thực hiện 13 cuộc kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, 7 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 để phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra tại "Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030".
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp, tập trung lựa chọn các chuyên đề, lĩnh vực thường xuyên có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ dễ phát sinh sai phạm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thu nộp về ngân sách Nhà nước, không gây thất thoát ngân sách, tài sản Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường họp báo công khai, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới tích cực. Nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội nhận định, mỗi năm kết quả thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nhiều sai phạm.
Điều này cho thấy công tác thanh tra, kiểm toán được thực hiện đến nơi đến chốn, song cũng đặt câu hỏi vì sao công cụ này hoạt động thường xuyên liên tục mà sai phạm không giảm. Qua quyết toán hàng năm có nhiều vấn đề nói hết năm nọ đến năm kia nhưng vẫn tiếp diễn.
Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, cùng với đó đề cao tính công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh "Kiểm toán Nhà nước phải tổ chức họp báo theo quy định. Riêng kiểm toán năm phải họp báo công khai. Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai. Một mặt cho thấy sức mạnh của kiểm toán, mặt khác để công luận giám sát”.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý kiểm toán tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản, tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai, "giấy phép con" để đề xuất xử lý.