Dự kiến làm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo trong năm 2025
3 dự án cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi với tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng...

Nhiều cây cầu lớn sắp được bắc qua sông Hồng
Tại kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Trong đó có cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, 2 dự án cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo được dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025 – 2027.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu được thực hiện tại quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh với tổng chiều dài khoảng 5,15km. Điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, điểm cuối qua nút giao với đường Trường Sa.
Đường dẫn đầu cầu phía Tây Hồ (cầu cạn và đường song hành) quy mô theo quy hoạch mặt cắt ngang là 4m; đường dẫn phía Đông Anh quy mô theo quy hoạch là 60m.
Công trình cầu trên tuyến, gồm cầu chính Tứ Liên vượt sông Hồng chiều dài 1km, bề rộng 43m; cầu vượt sông Đuống chiều dài khoảng 0,3km, bề rộng 44m; cầu vượt đê tả Đuống hiện tại chiều dài khoảng 0,08km, bề rộng 35m; cầu dẫn phía Tây Hồ, Long Biên dài khoảng 1,4km có bề rộng từ 27,5 - 44m; cầu dẫn phía Đông Anh (vượt trục TC13 quy hoạch) dài khoảng 0,4km có bề rộng 35m.
Công trình hầm trên tuyến gồm xây dựng hầm chui quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng xe chạy 24,5m trên trục đường Tứ Liên tổng chiều dài phần hầm khoảng 1,265 km.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng (mỗi quận, huyện là 1 dự án giải phóng mặt bằng) và 1 dự án đầu tư xây dựng. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 20.171 tỷ đồng, từ nguồn Ngân sách thành phố. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.
Còn cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài khoảng 5,6km. Điểm đầu là ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm); điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên).
Đường dẫn hai đầu cầu có quy mô mặt cắt ngang 30m với tổng chiều dài khoảng 2,25km. Dự án có tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng
Công trình cầu gồm cầu chính vượt sông Hồng với kết cấu cầu vòm bao gồm 6 nhịp, có quy mô mặt cắt ngang khoảng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Cầu dẫn sử dụng kết cấu dầm hộp với chiều dài nhịp khoảng 40 - 45m, quy mô bảo đảm 6 làn xe cơ giới.
Công trình hầm trên tuyến sẽ xây dựng hầm chui trực thông tại vị trí giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh/đường sắt Hà Nội – Hải Phòng có quy mô 4 làn xe, bề rộng khoảng 19,5m. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2027.
Tại đây, UBND thành phố Hà Nội cũng trình Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định giao UBND thành phố làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.
Tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi, nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 7,5km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km, rộng 33m; đường dẫn đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, rộng 60m.
Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.800 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố và Trung ương. Thời gian thực hiện dự án là 2025 - 2030.