Dự kiến tăng mức xử phạt đối với hành vi sàm sỡ, mua bán dâm
Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy (PCCC); cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (viết tắt là Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự).
Điểm mới đáng chú ý của dự thảo này là tăng mức phạt với các hành vi: sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng, mua bán dâm…
* Đề xuất tăng mức xử phạt sát với thực tiễn
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự hiện đang được Bộ Công an lấy ý kiến từ ngày 21-5 đến hết ngày 21-7. Khi được ban hành chính thức, dự thảo nói trên sẽ thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự được xây dựng gồm 4 chương, 82 điều (tăng 8 điều so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP), đáng chú ý có nhiều thay đổi về hành vi, mức xử phạt thuộc 17 điều tại mục 1 (an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và 6 điều tại mục 2 (phòng chống tệ nạn xã hội). Cụ thể đã bổ sung xử phạt đối với các hành vi: sử dụng trái phép thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện; mua, bán dâm, kích dục; sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng…
Một trong những điểm đáng lưu ý là tại Khoản 5, Điều 6, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự đưa ra mức phạt từ 5-8 triệu đồng đối với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục hoặc khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Mức phạt cao hơn 25 lần so với quy định hiện hành (Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, các hành vi liên quan đến mua, bán dâm cũng được đề xuất tăng mức phạt trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Theo Điều 24 của dự thảo này, người mua dâm sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng (tăng gấp đôi so với hiện hành). Tại Điều 25 của dự thảo này, hành vi bán dâm cũng được đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 300-500 ngàn đồng (mức phạt hiện hành tối đa 300 ngàn đồng), bán dâm cho nhiều người cùng lúc thì phạt 1-2 triệu đồng (mức hiện hành là 300-500 ngàn đồng).
Ngoài ra, tại Điều 26, dự thảo nói trên cũng nâng mức phạt đối với các hành vi khác liên quan đến mua, bán dâm như: che giấu, bảo kê, giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua, bán dâm sẽ bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng. Riêng hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua, bán dâm hoặc góp tiền, tài sản để sử dụng vào việc mua, bán dâm thì bị phạt từ 30-50 triệu đồng.
* Nghiên cứu hình phạt bổ sung
Khi Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự đồng tình của phần lớn người dân và cơ quan chức năng. Đa phần các ý kiến cho rằng, quy định mới này sát thực tế, cụ thể hóa và nâng cao mức xử phạt đối với những hành vi trước đây chưa có mức xử phạt hoặc có mức xử phạt nhưng còn nhẹ. Ví dụ như đối với hành vi sàm sỡ, trước đây chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng nhưng hiện nay bị phạt từ 5-8 triệu đồng.
Chị Nguyễn Ngọc Hiếu (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nhận định: “Việc nâng mức xử phạt hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng… sẽ giúp đảm bảo an ninh trật tự, khiến những kẻ có ý đồ xấu chùn tay. Đồng thời, giúp người dân an tâm hơn khi ra nơi công cộng, tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của pháp luật”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh tăng mức phạt tiền, Bộ Công an cũng cần nghiên cứu các hình phạt bổ sung khác. Đối với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục cần bị cấm đến gần một số địa điểm công cộng trong thời gian nhất định. Đối với hành vi mua, bán dâm, ngoài phạt tiền còn công khai danh tính những người thực hiện hành vi trên.
Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, trong những năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Xử lý VPHC năm 2020, Luật Cư trú năm 2020…, để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần tăng sức răn đe, giáo dục, hạn chế xảy ra các VPHC liên quan đến an ninh, trật tự thì Dự thảo Nghị định mới về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự được ban hành là cần thiết. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý VPHC; tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt VPHC.
Theo quy định chuyển tiếp của Dự thảo Nghị định mới về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, đối với quyết định xử phạt VPHC đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm nghị định mới này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2020 và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình.