Dù làm chuyên ngành nào, tôi vẫn nỗ lực hết mình

Học 6 năm đại học, tôi muốn làm bác sĩ ngoại khoa. Đương nhiên, lúc đó, những thứ chúng tôi làm đa phần là theo cảm giác và sở thích của cá nhân, không được định hướng. Tôi muốn làm một bác sĩ mổ xương, đơn giản là vì tôi thích.

Mấy năm sinh viên, tôi cặm cụi theo anh đi học thêm. Đêm cũng như ngày, đông cũng như hè, tôi theo anh, bất kể lúc nào anh gọi. Những ngày đấy, cảm giác chỉ cần được mặc áo mổ, đi găng, cầm panh, kéo, khâu cho bệnh nhân, cảm giác đấy cũng đủ thấy sung sướng.

Nội soi tiêu hóa phát hiện bệnh cho bệnh nhân.

Nội soi tiêu hóa phát hiện bệnh cho bệnh nhân.

Nhiều lúc, tôi nghĩ anh không phải là thầy, anh là một người anh đúng nghĩa. Đến nỗi, vào phòng mổ, hay lên khoa, mọi người đều bảo tôi là em trai của anh! Cũng gầy gầy xương xương như nhau, khuôn mặt nhang nhác giống nhau. Anh cười, bảo không phải, còn tôi lí nhí đáp không ra tiếng. Có hôm, anh gọi đi mổ đêm, giữa hai ca mổ, tôi ngồi dựa lưng vào tường rồi thế nào ngủ quên mất. Mấy chị y tá đem bút vẽ râu mèo, rồi trang trí đủ kiểu lên mặt tôi, lên cả kính, chụp ảnh lưu lại rồi mới gọi tôi dậy. Vừa xấu hổ, vừa buồn cười. Nhắc lại anh vẫn nhớ. Anh dạy tôi: “Phẫu thuật viên phải có trí tuệ của sư tử, đôi mắt của diều hâu, đôi tay của người thiếu nữ”. Với tôi, anh không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn.

Lúc tôi trượt nội trú, về viện tuyến địa phương, tôi xin làm bác sĩ chấn thương, theo con đường mà anh chỉ cho tôi. Nhưng không được, tôi phải theo một con đường khác: Ngoại tiêu hóa. Nhưng cái cảm giác muốn cầm dao mổ chưa bao giờ nguôi ngoai trong tôi, tôi tự nhủ, làm tiêu hóa cũng được, miễn sao mình làm tốt. Cuộc sống xoay vần, ai cũng sẽ vẫn phải sống. Nhưng trong những cơn mơ, tôi vẫn nhớ đến lúc tôi đi mổ với anh....

5 năm đi làm, không ít cũng không nhiều. Nhưng tôi cũng hiểu một chút những góc khuất trong nghề. Khi 20 tuổi, người ta hay nghĩ sống không vì tiền mà bởi vì đam mê. Nhưng càng nhiều tuổi, người ta càng nhận ra đồng tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Ai bảo không cần tiền, chắc người đó nói không đúng. Làm tiêu hóa thì nghèo, không có tiền. Không ít lần tôi nghĩ đến chuyện làm ngành khác, bỏ hẳn cái ngành mà mình đang cặm cụi và cần mẫn theo. Người ta bảo làm nhiều thứ khác, nhẹ nhàng hơn, đỡ mệt đầu óc hơn. Tôi cũng từng nghĩ như thế. Nhưng cuối cùng tôi lại chẳng thể bỏ được. Cứ tặc lưỡi, mình làm tốt cho bệnh nhân là được, còn tiền ít hay nhiều, thì kiểu gì vẫn sống, ngày ba bữa cơm, cũng chẳng ăn được nhiều hơn. Dù biết tự AQ, nhưng thôi cũng đành, cuộc sống mỗi người có một bến đỗ và một cái duyên riêng.

Sinh viên y bây giờ ra trường thông minh và khôn khéo hơn chúng tôi hồi trước rất nhiều. Xu hướng ngành nghề chuyển dịch sang những chuyên ngành dễ làm, dễ kiếm tiền, ít nguy cơ, ít mệt mỏi. Đấy là điều tất yếu. Nhưng tôi vẫn thấy con đường mình đã chọn là đúng, đủ để không phải quay đầu lại... Tôi tự nhủ dù làm gì mình cứ làm hết mình sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc, tiền bạc cho dù quan trọng nhưng không phải tất cả, dù có làm chuyên ngành nào thì tôi vẫn nỗ lực làm tốt công việc chữa trị bệnh của mình, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người bệnh và gia đình họ. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người thầy thuốc chúng tôi.

BS. Đăng Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/du-lam-chuyen-nganh-nao-toi-van-no-luc-het-minh-n173676.html