Du lịch bền vững: Xu hướng chủ đạo của du khách Việt
Nghiên cứu của Booking.com tiết lộ rằng việc du lịch bền vững tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của du khách, với 97% du khách Việt cho biết họ muốn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Từ ý định đến hành động
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát "khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ". Đối với du khách Việt, có tới 97% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Bất chấp những khó khăn do kinh tế đưa lại, có tới 75% du khách Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để bảo đảm chắc chắn họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực. 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
Du khách Việt đang có ý định du lịch bền vững hơn khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình, như sử dụng túi có thể tái sử dụng, tái chế chất thải hoặc mang theo bình nước cá nhân. Một số du khách cho biết họ đang du lịch ngoài mùa cao điểm để tránh đông đúc và lựa chọn đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển, nhằm hạn chế khí thải ra môi trường. Những du khách khác cũng đang ưu tiên "mua hàng địa phương", ưu tiên các cửa hàng nhỏ độc lập tại vùng mình tới để đóng góp cho nền kinh tế tại những nơi này.
Đồng thời, du khách Việt cũng chủ động tìm kiếm các chương trình tích điểm, khách hàng thân thiết, giảm giá, đi kèm với lựa chọn du lịch bền vững để thỏa mãn ngân sách cá nhân của mình. 79% du khách Việt Nam cho biết, họ cảm thấy an tâm hơn khi ở tại một cơ sở lưu trú được trao chứng nhận, hoặc có huy hiệu bảo đảm cho tính bền vững.
Theo chia sẻ của ông Varun Grover - Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, huy hiệu “Du lịch bền vững” ra đời nhằm ghi nhận một cách chuyên nghiệp các nỗ lực phát triển bền vững hiệu quả các cơ sở lưu trú trên khắp thế giới, cũng như cung cấp cho du khách một cách nhận diện minh bạch, nhất quán và dễ hiểu về chỗ nghỉ bền vững. Hơn 550,000 cơ sở lưu trú trên thế giới hiện nay đang được công nhận cho các thực hành bền vững trên Booking.com, bao gồm 5.000 cơ sở tại Việt Nam đã nhận Huy hiệu Du lịch Bền vững.
Huy hiệu “Du lịch bền vững” được phát triển để có thể áp dụng cho nhiều loại chỗ nghỉ, từ căn hộ, nhà nghỉ B&B, nhà nghỉ dưỡng cho đến khách sạn, resort và thậm chí là cả nhà trên cây, đồng thời có thể thích ứng với tình hình thực tế cùng các mối quan tâm ở phạm vi địa phương.
Dựa trên các tiêu chuẩn vững chắc hiện có dành cho chỗ nghỉ bền vững, Booking.com đã phát triển cùng các chuyên gia trong ngành, đặc biệt trong Liên minh Travalyst, để xác định các biện pháp hiệu quả nhất cho chỗ nghỉ khi xét theo 5 lĩnh vực chính: chất thải, năng lượng và khí nhà kính, nguồn nước, hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn thiên nhiên.
Dựa trên 5 lĩnh vực chính này, có 32 biện pháp bền vững cụ thể hơn mà các cơ sở lưu trú có thể thực hiện để được nhận huy hiệu “Du lịch bền vững”, bao gồm: loại bỏ đồ vệ sinh cá nhân bằng nhựa dùng một lần, chuyển sang đèn LED sử dụng 100% năng lượng tái tạo hay đầu tư một phần lợi nhuận nhất định vào cộng đồng địa phương và các dự án bảo tồn,...
Để nhận huy hiệu "Du lịch bền vững", cơ sở lưu trú cần công bố các biện pháp du lịch bền vững đang được áp dụng. Booking.com sẽ đánh giá các biện pháp này theo mô hình đã được xác thực và tính toán điểm tác động tổng thể của cơ sở lưu trú đó.
Bí kíp để du khách du lịch bền vững dễ dàng hơn
Khi ngày càng có nhiều du khách nhận thức về tác động của mình đối với môi trường, các cộng đồng địa phương cũng như môi trường tại các điểm du lịch cũng sẽ được hưởng lợi. Để giúp du khách trở thành một người đi du lịch có trách nhiệm, Booking.com chia sẻ sáu cách đơn giản để giúp du khách có chuyến đi bền vững hơn.
Khám phá những vùng ‘hẻo lánh’: Hãy cố gắng giảm thiểu tình trạng quá tải du lịch bằng cách đi vào mùa thấp điểm hoặc đến những nơi ít được biết tới hơn. Tình trạng quá tải du lịch gây ảnh hưởng nặng nề lên môi trường, hệ sinh thái và cộng đồng địa phương. Bằng cách đó, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người dân địa phương hơn và có thêm trải nghiệm chân thực về văn hóa tại đây.
Bỏ rác vào thùng: Du khách nên có ý thức bảo vệ môi trường bằng cách nhặt rác và vứt vào đúng chỗ có ý nghĩa chăm sóc môi trường rất lớn, và thậm chí đã là một thói quen tốt.
Chọn phương tiện công cộng cho các chuyến đi tiếp theo: Máy bay tiêu thụ lượng nhiên liệu khổng lồ và cũng tạo ra lượng khí thải CO2 lớn. Để thay đổi điều này, du khách có thể chọn phương tiện đi lại ít phát thải hơn như tàu hỏa, xe bus hoặc đi chung xe. Đối với những chuyến đi dài, hãy bù đắp lượng khí thải CO2 bằng cách quyên góp cho các tổ chức bảo vệ môi trường như Myclimate hoặc FlyGRN. Du khách cũng có thể giới hạn số lượng chuyến bay dài trong năm để giảm tác động tổng thể. Khi đến nơi, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ là lựa chọn bền vững hơn.
Hạn chế sử dụng nhựa một lần: Hạn chế sử dụng nhựa một lần có thể coi là một trong những thách thức môi trường lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt. Với 91% lượng nhựa thải ra không được tái chế, rác thải nhựa cuối cùng sẽ đi vào đại dương hoặc đổ vào các bãi rác. Thay vì mua chai nước nhựa một lần trong chuyến du lịch tới, hãy mang theo chai nước cá nhân có thể sử dụng trong nhiều năm. Điều này sẽ giảm mức tiêu thụ của bạn trong kỳ nghỉ và bạn cũng có thể mang bình nước về nhà - giúp hình thành thói quen bền vững trong cuộc sống hàng ngày.
Ưu tiên mua ở các cửa hàng địa phương: Một trong những cách tốt nhất để ủng hộ nền kinh tế địa phương và giảm lượng khí carbon là mua sắm tại các cửa hàng địa phương, thưởng thức đồ ăn từ người bán hàng rong hoặc tại những nhà hàng sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững. Hạn chế đi đến những chuỗi nhà hàng ăn nhanh thường nhập khẩu hàng từ khắp nơi trên thế giới và thay vào đó hãy khám phá những món ăn bản địa.
Lựa chọn nơi lưu trú bền vững: Khi chọn cơ sở lưu trú cho chuyến đi tiếp theo, hãy lựa một nơi có các thực hành bền vững. Những cơ sở lưu trú này phần lớn sẽ không có giá tốn kém hơn các khách sạn hay nhà nghỉ khác. Tại Booking.com, các cơ sở lưu trú với các thực hành bền vững đo lường được về tiết kiệm điện, nước, hỗ trợ cộng đồng tại địa phương... (như tái sử dụng khăn tắm, sử dụng các thiết bị góp phần tăng hiệu quả tiêu thụ nước..) sẽ được trao Huy hiệu Du lịch Bền vững, đồng thời được công khai trên nền tảng đặt phòng các biện pháp cụ thể mà cơ sở lưu trú đang áp dụng. Không chỉ thúc đẩy các cơ sở lưu trú trong hành trình trở nên bền vững hơn, huy hiệu của Booking.com cũng giúp du khách dễ dàng lựa chọn và tìm kiếm cơ sở lưu trú phù hợp.
Nhâm Hiền/ Tạp chí Du lịch