Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững
Cụm từ 'xanh hóa' dù được nhắc đến rất nhiều trong cộng đồng thời gian gần đây, nhưng 'xanh hóa' thế nào là đúng, là tốt thì không phải ai cũng nắm rõ. Đối với du lịch cũng vậy, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần đối mặt với những thách thức và cần có những giải pháp đúng đắn.
Sáng 6/11, tại TP. Phan Thiết, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Tại Bình Thuận, hoạt động du lịch, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đang được thúc đẩy để nhanh chóng chuyển đổi xanh, tạo động lực để đẩy nhanh tiến trình phát triển toàn diện: kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết thêm, cụm từ “xanh hóa” dù được nhắc đến rất nhiều trong cộng đồng thời gian gần đây, nhưng “xanh hóa” thế nào là đúng, là tốt thì không phải ai cũng nắm rõ. Đối với du lịch cũng vậy, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn, đồng thời đó cũng là một cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần đối mặt với những thách thức và cần có những giải pháp đúng đắn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá cao tiềm năng của Bình Thuận trong phát triển du lịch khi có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
TS. Trần Du Lịch, cho biết, Bình Thuận cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với những thuận lợi này, tỉnh hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế cả nước.
TS. Trần Du Lịch nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nâng cao giá trị văn hóa địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch kết hợp văn hóa - lịch sử… thời gian gần đây đã thu hút lượng lớn khách hàng, điều này cho thấy được việc chuyển đổi xanh trong toàn nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đã, đang và sẽ tạo nên được rất nhiều giá trị cho quốc gia.
Tuy vậy, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục. Việc đưa tiêu chuẩn xanh vào cuộc sống đã là khó, “xanh hóa” hoạt động kinh doanh sẽ lại càng khó và càng cần bài bản hơn. Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, rủi ro khi thử nghiệm mô hình mới, rủi ro khi vận dụng chính sách mới, rủi ro khi làm việc, thương thảo hợp đồng với các đối tác mới,... Tất cả những rủi ro này, nếu không có sự nghiên cứu, chuẩn bị, doanh nghiệp ắt sẽ chịu nhiều thiệt hại trong hành trình tiến đến mục tiêu xanh hóa.
Từ đây, TS. Trần Du Lịch định hướng: "Để chuyển đổi du lịch xanh trước hết là nhận thức và hành động của doanh nghiệp nhưng không thể thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước và phải đặt các chính sách và giải pháp tổng thể để chuyển đổi kinh tế địa phương theo phát triển bền vững. Có nghĩa là Bình Thuận phải chuyển đổi kinh tế nói chung chứ không phải riêng du lịch mà trong đó chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là định hướng bao trùm cho Bình Thuận trong 10 năm tới về chuyển đối kinh tế trên tất cả lĩnh vực, trong đó lấy đột phá đi trươc về du lịch để tạo nền móng chuyển đổi cả nền kinh tế theo kinh tế xanh và kinh tế số."