Du lịch Cát Bà: 'Nàng công chúa ngủ quên' đã thức giấc
Khoảng 10 năm về trước, nói đến Cát Bà, những người làm trong ngành Du lịch vẫn ví đó là 'nàng công chúa ngủ quên,' quần đảo này hội tụ thế mạnh ít địa điểm du lịch nào sánh kịp.
Tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn, hành động mạnh mẽ-tất cả những thành tố này đã tạo nên đòn bẩy để quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) khẳng định vị thế của thương hiệu du lịch sáng giá.
Ngôi vị thay đổi
Khoảng 10 năm về trước, nói đến Cát Bà, những người làm trong ngành Du lịch vẫn ví đó là “nàng công chúa ngủ quên.” Quần đảo này hội tụ thế mạnh ít địa điểm du lịch nào sánh kịp: có rừng trên biển, có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Vườn Quốc gia Cát Bà là nơi sinh tồn của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, trong đó voọc Cát Bà-loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới hiện chỉ còn tồn tại ở đây. Di chỉ Cái Bèo thuộc vịnh Lan Hạ là nôi của văn hóa cổ Việt Nam.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo của ngành Du lịch, những người tâm huyết đã chỉ ra "điểm nghẽn" của du lịch Cát Bà, nhất là sự bất tiện về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch.
Thời điểm đó, để ra Cát Bà, phương tiện vận chuyển nhanh nhất là tàu cao tốc. Song Bến Bính, nơi xuất phát của những chuyến tàu luôn bị than phiền về sự nhếch nhác. Nếu chọn cách đến Cát Bà bằng đường bộ kết hợp với đi phà, thời gian di chuyển từ Hải Phòng ra đảo mất ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Đối với nhóm khách du lịch cao cấp, việc mất nhiều thời gian cho quá trình di chuyển luôn là rào cản đầu tiên khiến họ từ chối điểm đến. Hạ tầng giao thông gập ghềnh, hạ tầng du lịch thiếu vắng các khách sạn 5 sao, du thuyền hạng sang đã tạo thành điểm trừ để đảo ngọc thu hút nhóm du khách có khả năng chi trả cao.
Sau thời gian “ngủ đông,” Cát Bà đã bừng tỉnh với một sức sống mới. Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cho biết, trong 5 năm trở lại đây, du lịch được đầu tư phát triển nhanh và đúng hướng, trở thành ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo của địa phương. Điểm nhấn của sự thay đổi này chính là hệ thống lưu trú và dịch vụ du lịch cao cấp.
Hiện trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 40 tàu lưu trú nghỉ đêm đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao.
Trong mùa hè năm 2020, khách sạn 5 sao M-gallery với 120 phòng nghỉ; dự án Flamingo Cát Bà Beach Resort với hơn 1.000 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao và hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải-Phù Long đi vào hoạt động ghi thêm một dấu mốc mới đối với du lịch Cát Bà.
Từ sự thay đổi trong hạ tầng và sản phẩm du lịch khác biệt, Cát Bà bứt phá vượt khỏi thế mạnh du lịch biển và trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn 4 mùa.
Theo ông Vũ Tiến Lập, Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao, Thông tin và Du lịch huyện Cát Hải, thời điểm mùa Thu năm 2019, mỗi ngày, Cát Bà đón từ 400-500 lượt khách quốc tế.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, du khách đến Cát Bà có giảm song các khách sạn 4 đến 5 vẫn luôn có du khách trong nước đặt kín phòng trong dịp cuối tuần.
Anh Nguyễn Đức Toàn, du khách đến từ Hà Nội cho biết, gia đình anh sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để ra đảo Cát Bà.
Dù vẫn phải di chuyển qua phà song tuyến đường nối từ Hải Phòng đến phà Cái Viềng và từ phà Cái Viềng ra đảo đã được xây dựng rộng rãi nên việc di chuyển rất thuận lợi. Hai bên đường ra đảo sơn thủy hữu tình, biển Cát Bà mùa Thu nên thơ, khách sạn đẹp, đồ ăn tươi ngon. Do vậy, các thành viên trong gia đình ai cũng thích thú và hài lòng ngoài mong đợi với điểm đến này.
Sự thay đổi của Cát Bà được thể hiện bằng những con số. Chỉ riêng năm 2019, hơn 2,8 triệu lượt khách đã đến Cát Bà, vượt 41% chỉ tiêu; trong đó khách quốc tế hơn 700 nghìn lượt khách, vượt 8% chỉ tiêu Đại hội XI, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ huyện Cát Hải.
Tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch biển
Sự phát triển của du lịch của Cát Bà nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của Hải Phòng. Quyết tâm của tập thể lãnh đạo thành phố Cảng trong giai đoạn 2015-2020 để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch với hàng loạt công trình trọng điểm, bao gồm cả những cụm công trình tại huyện Cát Hải là bệ phóng để lãnh đạo huyện sáng tạo, quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ và đưa du lịch huyện đảo đạt kết quả nổi bật trên.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Cát Hải Hoàng Hồng Luân, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã chỉ rõ mục tiêu về phát triển du lịch đối với Hải Phòng là đến năm 2025, Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Cùng với đó, chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 09/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về: “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là đường lối tác động sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển huyện đảo.
Để thực thi nhiệm vụ về phát triển du lịch, 5 năm tới, huyện Cát Hải tiếp tục xác định du lịch-dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 80% chỉ tiêu phát triển kinh tế của huyện. Mục tiêu cụ thể thu hút 6 triệu lượt du khách, trong đó có 1,7 triệu lượt khách quốc tế.
Phó Bí thư Huyện ủy Hoàng Hồng Luân cho biết, để đạt mục tiêu này, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch Cát Bà.
Huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trọng tâm là hệ thống giao thông, điện, nước ngọt, xử lý nước thải, chất thải rắn trên đảo, hướng tới mục tiêu xây dựng Cát Bà thành đảo du lịch thông minh, sinh thái, không có khí thải của phương tiện cơ giới; nâng cao khả năng kết nối với Hạ Long, Đồ Sơn và các trọng điểm du lịch khác trên cả nước.
Huyện đề nghị các ngành chức năng trực thuộc tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức và hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Cát Hải tập trung phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên thực hiện chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp.
Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; quan tâm phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng văn minh, thân thiện.
Cùng với đó, huyện chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Cát Bà trăm năm bền vững; tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch; chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tài nguyên du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu tác động đến hoạt động du lịch./.