Du lịch - chìa khóa tăng trưởng của Thái Lan
Như Báo Hànôịmới đã đưa tin, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố sẽ hành động nhanh chóng để giải quyết các vấn đề kinh tế trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội hôm 11-9. Trong đó, ông nhấn mạnh kế hoạch thúc đẩy ngành Du lịch, coi đó là chìa khóa mở cánh cửa tăng trưởng cho nền kinh tế của xứ sở Chùa Vàng.
Theo dữ liệu công bố bởi Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan cuối tháng 8, nền kinh tế nước này tăng trưởng 1,8% trong quý II-2023 so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ này, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý II chậm hơn so với mức 2,6% ghi nhận được trong quý I, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% được đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến các chuyên gia kinh tế của Hãng tin Reuters.
Xuất khẩu, lĩnh vực chiếm khoảng 60% GDP Thái Lan, tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu toàn cầu yếu, đặc biệt là từ đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này là Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,7% trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6-2023, tiếp tục đà suy giảm 6,4% trong quý trước và 7,5% trong quý IV-2022.
Tuy nhiên, du lịch vẫn là một điểm sáng khi chính phủ đặt mục tiêu tiếp cận khoảng 30 triệu du khách nước ngoài trong năm nay, gần gấp ba so với mục tiêu đón khách năm ngoái. Thủ tướng S.Thavisin đang tìm cách tăng doanh thu cho ngành "công nghiệp không khói" bằng cách nới lỏng các quy định về thị thực đối với du khách Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời cho phép du khách ở lại lâu hơn.
Theo Học viện Du lịch Trung Quốc, Thái Lan là điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến nhất đối với du khách Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023. Từ tháng 1 đến tháng 7, nước này đã đón 15,4 triệu khách quốc tế và khoảng 1,9 triệu trong số đó đến từ Trung Quốc. Dẫu vậy theo thống kê, lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Thái Lan vẫn chậm hơn dự kiến. Năm 2019, khoảng 28% trong số kỷ lục 40 triệu lượt khách nước ngoài đến Thái Lan là từ Trung Quốc, đóng góp vào doanh thu khoảng 1,9 nghìn tỷ baht, song “hiện tại chỉ có 30% khách du lịch Trung Quốc quay trở lại”, Thủ tướng Thái Lan nói trong một cuộc họp báo.
Các nhà phân tích cho rằng, sự phục hồi chậm trễ của khách Trung Quốc xuất phát một phần từ các yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực điện tử được áp dụng hồi tháng 5, đặc biệt đối với khách đi theo đoàn. Quy trình xin thị thực tốn kém, rườm rà được chính phủ xác định là "rào cản đối với khách du lịch năm nay". Du khách đến từ Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, phải trả 2.000 baht (57 USD) để xin thị thực cho 15 ngày ở lại Thái Lan. Phí visa cao cũng được coi là rào cản trong việc hút khách du lịch. Để bù đắp cho những vấn đề trên, Thủ tướng S.Thavisin đã đề nghị bổ sung các chuyến bay đến Phuket và Krabi, nới lỏng rào cản thị thực với khách Trung Quốc và Ấn Độ. Dự kiến, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10 đến hết mùa du lịch cao điểm trong quý I-2024.
So với việc miễn phí cấp thị thực cho khách Trung Quốc trước đây, chính sách cải thiện quy trình cấp thị thực lần này được coi là bước đi đột phá hơn của Thái Lan nhằm khai thác thị trường Trung Quốc. Ông Adith Chairattananon - Tổng Thư ký danh dự của Hiệp hội Đại lý lữ hành Thái Lan (ATTA) tin rằng, chính sách trên có thể giúp Thái Lan thu hút thêm 500.000-700.000 khách Trung Quốc trong quý IV năm nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng Thái Lan cũng đề xuất gia hạn thị thực cho khách du lịch đến từ Belarus, Kazakhstan và Nga, ba thị trường khách được cho là chi tiêu mạnh tay hơn khách Trung Quốc, Malaysia.
Thủ tướng S.Thavisin đã thảo luận với lãnh đạo của Airports of Thai, cơ quan điều hành sân bay lớn nhất Thái Lan và một số hãng hàng không về các phương án để thu hút khách quốc tế nhiều hơn trong quý IV, nhằm mùa cao điểm du lịch của xứ sở Chùa Vàng. Airports of Thai đã đồng ý tăng 20% công suất chuyến bay đến Thái Lan và tìm cách đẩy nhanh quá trình thông quan nhập cảnh.
Chính phủ mới của Thái Lan đặt mục tiêu nâng doanh thu từ du khách quốc tế lên 3,3 nghìn tỷ baht (tương đương 94 tỷ USD) vào năm tới. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, du lịch chiếm khoảng 12% GDP của đất nước và cung cấp gần 1/5 việc làm. Mặc dù các con số của lĩnh vực mũi nhọn chưa đạt được như trước đại dịch Covid-19, nhưng các nhà điều hành du lịch nhìn thấy triển vọng tươi sáng cho ngành "công nghiệp không khói" Thái Lan.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-lich-chia-khoa-tang-truong-cua-thai-lan-640713.html