Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên: Cách làm của các điểm đến
Tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường, chú trọng phổ biến du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... là những biện pháp đã, đang được các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chú trọng, nhằm phát triển 'du lịch xanh', bền vững.
Không gian xanh - sạch - đẹp tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) hấp dẫn khách du lịch.
Đến với Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), du khách không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt, ngược dòng về quá khứ - một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến mà còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Khu di tích có tổng diện tích hơn 200 ha, trong đó có trên 100 ha rừng tự nhiên. Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 300 - 400 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương và nhiều loài dược liệu quý. Đặc biệt, rừng Lam Kinh còn có 13 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trong đó, cây đa - thị (được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2013) khoảng 300 năm tuổi, ở vị trí phía Tây khu thành nội, ngay đầu hồi Nghi Môn được đông đảo du khách quan tâm bởi gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, cuốn hút.
Bà Bùi Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: “Việc xây dựng hình ảnh điểm đến “Sạch sẽ - hấp dẫn - bản sắc - thân thiện” theo đúng tinh thần của Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, là một trong những ưu tiên hàng đầu của BQL Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Để làm tốt được điều đó, cán bộ, viên chức BQL di tích luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; bố trí hợp lý các thùng đựng rác, cắm biển khuyến cáo để Nhân dân có ý thức hơn trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Với các khẩu hiệu thân thiện như: “Bạn hãy cùng tôi chăm sóc giữ gìn di tích sạch đẹp”, “Nếu bạn vô tình xả rác chúng tôi sẽ là người thu gom”. Đồng thời ban hành nội quy, quy định cụ thể về phòng chống cháy nổ, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân quanh khu vực di tích thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên”.
Nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đặc dụng đảm bảo hài hòa với bảo tồn, nâng cao giá trị lịch sử văn hóa, cảnh quan Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt “Phương án quản lý rừng bền vững Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, giai đoạn 2021-2030”. Việc quản lý rừng bền vững khu di tích cần đảm bảo duy trì ổn định độ che phủ của rừng; bảo vệ cảnh quan và gìn giữ môi trường bằng các hoạt động làm giàu rừng theo hướng đa dạng hóa loài cây, tạo ra các hệ sinh thái rừng có tính ổn định cao, bền vững; bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ... Từ đó, thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên... tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Còn đối với huyện Bá Thước, trong những năm gần đây du lịch sinh thái cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Được thiên nhiên ưu ái, Pù Luông được các nhà khoa học đánh giá là một trong những khu BTTN có giá trị lớn về khoa học, kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc Việt Nam, với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hàng nghìn năm tuổi. Bên cạnh đó, Pù Luông còn lưu giữ nhiều hệ động, thực vật quý hiếm có trong sách đỏ như: thông đỏ Bắc, thông Pà Cò, gấu chó, gấu ngựa, cây vằn Bắc, khỉ mặt đỏ, cu ly...
Trong những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nằm trong vùng lõi và vùng đệm của Khu BTTN Pù Luông đã được hình thành, chủ yếu tập trung tại các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Ban Công. Đến nay, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông có 75 cơ sở lưu trú, với 104 nhà sàn, 152 bungalow; công suất đón trên 1.500 lượt người/ngày, đêm.
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, chính quyền địa phương và BQL Khu BTTN Pù Luông luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại đây. Tuy nhiên, khác với các khu BTTN khác, tại đây không di dời người dân ra khỏi khu bảo tồn mà để người dân cùng sinh sống và tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: “Việc đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện được thực hiện trên cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quan điểm của huyện là tuyệt đối không đầu tư xây dựng theo hướng bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, quá trình phát triển du lịch sinh thái phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai, nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển được tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Huyện kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp đầu tư không đúng quy hoạch và tôn chỉ mục đích phát triển du lịch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên”.
Với cách làm của các điểm đến, du lịch Thanh Hóa đã, đang dần phát triển nhiều “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh” hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng rác thải nhựa, xây dựng trái quy hoạch, bê tông hóa... vẫn còn diễn ra tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp, sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; quản lý sức chứa để kiểm soát luồng khách du lịch; quản lý việc xây dựng cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống theo hướng thân thiện với hệ sinh thái, đặc biệt là tại các khu du lịch cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho Nhân dân, du khách...