Du lịch cộng đồng còn nặng tính tự phát, chưa đi vào thực chất

Du lịch cộng đồng là cách thức hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững và thực hành du lịch có trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình này vẫn chỉ đơn thuần là nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không có một sự hướng dẫn nào.

Chiều ngày 5/9, Hội thảo chuyên đề với chủ đề "Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững" đã được tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm của gần 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức quốc tế, cùng các cơ quan quản lý trong lĩnh vực du lịch tới tham dự.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả và nhận diện các khó khăn, thách thức đối với phát triển du lịch bền vững và trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững. Từ đó, đề ra các giải pháp hiệu quả nhất cho điểm đến Việt Nam trong tương lai.

Hợp tác là yếu tố then chốt

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Chiaki Oya, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Hỗ trợ khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc UN Tourism, nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch dựa vào cộng đồng, trong việc bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế của người dân địa phương.

Bà Chiaki Oya cũng khẳng định, sự hợp tác giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch.

Bà Nobuko Otsuki, Trưởng Đại diện tổ chức Cứu trợ/Phát triển Quốc tế (FIDR) tại Việt Nam trình bày nội dung kinh nghiệm điển hình trong phát triển du lịch và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Bà Nobuko Otsuki, Trưởng Đại diện tổ chức Cứu trợ/Phát triển Quốc tế (FIDR) tại Việt Nam trình bày nội dung kinh nghiệm điển hình trong phát triển du lịch và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa.

Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền, là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Chia sẻ về việc thực hành du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch và Phát triển Kinh tế (ITEDR) cho biết, nhu cầu du lịch thế giới đang thay đổi: hướng tới những giá trị mới được thiết lập dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, tính nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, nguyên vẹn), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tính tiện nghi).

Để đẩy mạnh du lịch cộng đồng, cần hiểu đặc điểm của loại hình du lịch này. Bên cạnh sinh kế du lịch cộng sinh với sinh kế chính để duy trì kinh tế hộ gia đình, sức chứa của các điểm đến hộ gia đình thường khiêm tốn, dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng có tính chất tối giản và mộc mạc thì điểm nhấn của loại hình này chính là trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách.

Đặc biệt, ông Dương Đức Minh cũng nhấn mạnh: “Du lịch cộng đồng là cách thức hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững và thực hành du lịch có trách nhiệm”.

Ông Natthawut Chaengkrachang, đại diện đến từ Cục Quản lý du lịch bền vững (DASTA), tỉnh Nan, Thái Lan, chia sẻ về việc cần có một tổ chức xuất sắc trong việc tích hợp phát triển các vùng du lịch chỉ định và thúc đẩy các điểm đến du lịch có chất lượng, đạt chuẩn để tăng trưởng bền vững.

Đơn cử, CBT (du lịch cộng đồng - PV) Thái Lan đã được sử dụng như một công cụ quan trọng, để liên tục lập kế hoạch và đánh giá kết quả phát triển du lịch cộng đồng ở Thái Lan.

Đây là tiêu chuẩn để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của cộng đồng trong suốt quá trình phát triển du lịch. Dựa trên cơ sở đó thì cộng động và các đơn vị tập huấn có thể xây dựng năng lực và phát huy tiềm năng của cộng đồng một cách hiệu quả.

Quan trọng nhất, CBT Thái Lan được sử dụng như một công cụ giám sát giúp ngăn chặn những thay đổi tiêu cực không mong muốn trong cộng đồng khi giải quyết nhu cầu du lịch.

Ông Natthawut Chaengkrachang cũng đề xuất ý tưởng du lịch của người dân địa phương cho người dân địa phương.

Đây là một trong những giải pháp cho du lịch bền vững bởi vị trong khuôn khổ này, người dân địa phương là những người đưa ra những quyết định chính trong việc phát triển du lịch tại địa phương và là người được hưởng hoàn toàn lợi ích từ du lịch phát triển.

Tìm ra đặc trưng tinh tế của sản phẩm du lịch

Trong phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về những yếu tố dẫn đến thành công cũng như những thách thức trong việc phát triển các dự án du lịch dựa vào cộng đồng. Các câu hỏi từ khán giả cũng đã được thảo luận sôi nổi, mang lại nhiều góc nhìn phong phú và đa dạng.

Tại Hội thảo, ông Dương Minh Bình, chuyên gia du lịch, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel, đã chia sẻ về xây dựng và vận hành homestay hiệu quả.

Theo đó, ông Dương Minh Bình một lần nữa nhấn mạnh du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Tuy nhiên, từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không có theo một sự hướng dẫn nào.

Học hỏi, giao lưu chia sẻ kết nối là cách ông Dương Minh Bình vẫn tổ chức thường xuyên trong cộng đồng du lịch trên toàn quốc. CBT Travel đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hội nghị, góp phần thay đổi cách suy nghĩ của lãnh đạo nhiều địa phương về cách phát triển du lịch phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giúp đồng bào nâng cao mức sống bằng du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường.

Ông Dương Minh Bình cho rằng, các mô hình homestay của bà con đang xây dựng hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất.

Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.

Xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng không chỉ cần sự sáng tạo mà luôn có tính kết nối liền mạch quá khứ hiện tại... đó là cái đặc trưng tinh tế của các sản phẩm du lịch mang dấu ấn.

Kết thúc hội thảo, bà Marian Magsino, Trưởng phòng Quốc tế, Văn phòng Hỗ trợ khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc UN Tourism đã tổng kết lại những điểm chính và gửi lời cảm ơn đến tất cả các diễn giả, khách mời đã tham gia và đóng góp vào thành công của sự kiện.

Các đại biểu, diễn giả tham gia phiên thảo luận về trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững.

Các đại biểu, diễn giả tham gia phiên thảo luận về trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững.

Mỹ Hậu - Khuynh Hà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-lich-cong-dong-con-nang-tinh-tu-phat-chua-di-vao-thuc-chat-204240905181301071.htm