Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh
Cùng với việc hình thành 4 tuyến du lịch trong phạm vi công viên địa chất, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng khai thác du lịch cộng đồng.
Cuối tháng 11 năm nay, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đệ trình UNESCO Hồ sơ công nhận Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh là toàn cầu. Cùng với việc hình thành 4 tuyến du lịch trong phạm vi công viên địa chất, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng khai thác du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân. Khi người dân được hưởng lợi từ di sản, chính họ là những người bảo vệ di sản hiệu quả nhất.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 4 tuyến du lịch chủ đạo nằm trong khuôn viên Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đây là tuyến du lịch phía Đông với tên gọi “Bí ẩn nơi đảo thiêng”. Với 30 điểm di sản địa chất, văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau như: vách đá Hang Cau, miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền…; đảo Lý Sơn còn là nơi lưu giữ nhiều vết tích của cư dân Sa Huỳnh 2.500 năm trước.
Những năm gần đây, Lý Sơn hấp dẫn du khách từ vẻ đẹp hoang sơ đến cuộc sống chân chất, hiền hòa của cư dân miền biển. Du lịch cộng đồng homestay luôn được du khách lựa chọn để trải nghiệm. Đến nay, huyện đảo Lý Sơn có hơn 60 homestay, chất lượng ngày càng nâng cao. Anh Lê Văn Lợi, chủ homestay ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho hay: nhiều gia đình ở Lý Sơn trở nên khấm khá nhờ mô hình du lịch cộng đồng này.
“Tôi đầu tư phòng điều hòa máy lạnh homestay. Đưa đón, ăn uống, mua vé tại nhà, thuận tiện cho khách nên khách rất vui lòng. Khi khách đến, mình đón tại cảng đưa về nhà. Khi khách yêu cầu tham quan các điểm ở Lý Sơn, gia đình phục vụ hết mình cho khách”- anh Lê Văn Lợi cho biết.
Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh rộng 4.600 km2, trong đó hơn 2.000 km2 đất liền với khoảng 900.000 người dân sinh sống trải dài 9 huyện, thành phố. Các nhà khoa học xác định có khoảng 90 di sản chọn lọc nằm trên 4 tuyến hội tụ trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh chú trọng thành lập các hợp tác xã du lịch dựa trên những đặc trưng của địa phương. Qua đó, khai thác thế mạnh từng khu vực, thu hút người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang tập trung phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.
“Ngành du lịch khuyến khích các mô hình hợp tác xã, người dân làm du lịch, hạn chế nhà doanh nghiệp bên ngoài đầu tư vào. Đặc điểm du khách muốn gì, cần gì, đều có sự chia sẻ thông tin. Người dân sẽ làm. Không ai là người bảo vệ tốt nhất công viên địa chất bằng chính những người dân ở đó nhưng nếu họ chỉ bảo vệ mà không thu được lợi gì thì sự nhiệt tình của họ chắc chắn sẽ bị mai một”- ông Nguyễn Minh Trí cho biết.
Ông Guy Martini, Chủ tịch hội đồng Công viên địa chất toàn cầu, kiêm Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần thành lập trung tâm thông tin, tổ chức các hoạt động cộng đồng tại các điểm tham quan để người dân cùng tham gia khai thác gắn với bảo tồn.
“Một trong những sứ mệnh quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là sự phát triển cho cộng đồng, làm sao để cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn. Tỉnh Quảng Ngãi cần phải kết nối cộng đồng gắn với công viên địa chất, làm cho cuộc sống của họ tốt hơn, thu nhập cao hơn, giữ được nghề truyền thống. Những giá trị đấy rất quý”- ông Guy Martini cho biết./.