Du lịch đã 'vui' trở lại!
Trong không khí vui tươi, phấn khởi buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng Quốc hội nhân ngày làm việc đầu tiên năm mới, sáng qua, 27.1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ thông tin vui, đó là 'dịp Tết năm nay, các hoạt động du lịch phát triển bùng nổ với con số du khách nội địa và quốc tế đều đạt kỷ lục'.
Sau thời gian dài trầm lắng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch thời gian qua đã có những bước phục hồi và phát triển ấn tượng. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ tính trong 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 47,5% so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh so với dịp Tết Dương lịch 2023. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết. Một trong những lý do làm thị trường du lịch quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn trong dịp Tết Quý Mão này là do Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8.1.2023.
Đây là tin vui đầu năm của tất cả chúng ta, của ngành du lịch nói chung và những người làm du lịch nói riêng trong những ngày đầu năm mới.
Có được sự khởi sắc này là do ngành du lịch và các địa phương đã có những nỗ lực không ngừng, làm mới sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Một số địa phương trọng điểm du lịch đã chủ động phối hợp cùng các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế với việc tổ chức chào đón các vị khách quốc tế tới "xông đất" đầu năm. Việc chào mừng các “thượng đế” tại sảnh sân bay, ga tàu và lì xì năm mới đã thể hiện được nét đẹp văn hóa, hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam thân thiện đối với du khách trong những ngày đầu xuân năm mới.
Cùng với đó, các hãng lữ hành cũng đã tổ chức đa dạng các tour du lịch với những sáng tạo khi kết nối với địa phương để phát triển tour du lịch mang đậm nét vùng miền đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt của khách du lịch. Đặc biệt, việc kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng “chặt chém” đáng tiếc đối với khách du lịch cũng là một trong những yếu tố đã làm cho niềm vui của du khách trong những ngày tham quan, lưu trú trở nên trọn vẹn hơn.
Có thể nói, du lịch là một trong những lĩnh vực có sự hồi phục và phát triển rất ấn tượng sau đại dịch. Ngoài sự nỗ lực nội tại, sự phục hồi của ngành du lịch còn có được từ những chính sách hỗ trợ được ban hành rất kịp thời. Trong đó có thể kể đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, trong Nghị quyết số: 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã quyết định cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Với những chính sách thiết thực này đã tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời nhiều doanh nghiệp du lịch nói riêng, ngành du lịch nói chung phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Những con số biết nói về số du khách tham quan, lưu trú cũng như doanh thu từ hoạt động du lịch những ngày Tết vừa qua là kết quả đáng mừng của ngành du lịch trong năm mới. Tuy nhiên, để phát huy kết quả này, để du lịch phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần cơ cấu lại ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu về môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành về phát triển du lịch. Đặc biệt, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Quỹ này.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Và một yêu cầu rất quan trọng là cần bảo đảm chất lượng nhân lực của ngành du lịch không chỉ hiểu sâu sắc về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, mà còn biết ứng xử “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.