Du lịch đại chúng đe dọa văn hóa bản địa tại Bali, Indonesia
Nhiều cộng đồng dân cư tại Bali (Indonesia) mong muốn hạn chế phát triển du lịch đại trà nhằm bảo vệ những khu rừng, hồ nước và nền văn hóa đã có từ lâu đời.
Đối với nhiều người dân tại Bali (Indonesia), những khu vực tự nhiên như cây xanh, khu rừng, hồ nước... hay nền văn hóa đã có từ lâu đời không dành cho du lịch đại chúng. Hòn đảo của Indonesia đang chào đón rất đông du khách quay trở lại sau dịch Covid-19, khiến nhiều người lo ngại khách du lịch sẽ là mối đe dọa cho văn hóa, truyền thống và luật lệ tại một nơi chủ yếu theo đạo Hindu.
Văn hóa bản địa không được tôn trọng
Anh Putu Willy Suputra - một hướng dẫn viên địa phương cảm thấy bất bình vì một nhóm khách du lịch nước ngoài quay video đang đu mình trên những dây leo trong khu rừng linh thiêng của bộ tộc mình. "Cái dây leo đó chắc chắn sẽ chết, những hành động đó thực sự khiến tôi tổn thương. Nếu đi vào khu rừng này, du khách chỉ cần đi bộ, nhìn ngắm, lắng nghe là đủ, không cần phải nhặt hái thứ gì đó hay đu mình trên cây. Hầu hết mọi người chỉ nghĩ về biển, ánh nắng và bản thân họ chứ không quan tâm đến văn hóa bản địa".
Giống như tổ tiên của mình, thiên nhiên là một phần quan trọng đối với Suputra và anh coi cuộc đấu tranh giành quyền lợi của người bản địa là cần thiết trên toàn bộ Bali. Anh lo ngại khu rừng nhiệt đới thiêng liêng của cộng đồng mình sẽ bị tổn hại bởi ngày càng nhiều những người đến từ nơi khác. "Tôi cảm thấy bình yên trong khu rừng này. Nhưng một ngày nào đó, tôi lo sợ rằng điều này sẽ bị thay đổi khi con cháu tôi ra đời".
Bali đặt mục tiêu thu hút 4,5 triệu du khách quốc tế vào năm 2023 - nhiều hơn dân số khoảng 4,4 triệu người của hòn đảo này. Trước Covid-19, Bali đón khoảng 6,2 triệu du khách vào năm 2019. Du lịch đang gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng còn hạn chế của hòn đảo và dẫn đến nhiều vấn đề khác, bao gồm giá đất tăng vọt, sự phát triển ồ ạt, ùn tắc giao thông bóp nghẹt những con đường chật hẹp và rác thải xuất hiện trên những bãi biển hoang sơ một thời.
Gần đây, Indonesia đã cân nhắc việc tăng đáng kể giá vé vào cửa một số địa điểm du lịch hàng đầu, chẳng hạn như Công viên quốc gia Komodo - nơi sinh sống của loài thằn lằn lớn nhất thế giới, và công trình Phật giáo nổi tiếng Borobudur. Tuy nhiên các kế hoạch này đã bị trì hoãn, sau khi vấp phải sự phản đối của những người làm việc trong ngành du lịch địa phương.
Cần trao quyền cho người bản địa
Putu Ardana, một già làng trong cộng đồng người Adat Dalem Tamblingan, cho rằng người dân bản địa cần có quyền quyết định những khách du lịch nào có thể đến thăm các khu vực linh thiêng. Hoạt động du lịch cần nhấn mạnh vào yếu tố nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. "Nếu chúng tôi bảo tồn truyền thống, văn hóa, nông trại của mình và làm những gì tốt nhất, những người yêu mến văn hóa của chúng tôi sẽ đến đây. Nhưng đáng buồn là người Bali chỉ đóng vai phụ. Vai chính thuộc về những người đến từ Jakarta hoặc từ nước ngoài".
Những cộng đồng bản địa tại Bali kỳ vọng chính phủ nước này công nhận các quyền "theo tập quán" của họ trong việc quản lý rừng và hồ như là vùng đất tổ tiên có từ nhiều thế kỷ trước. Ông Sumarsono - người đứng đầu Cơ quan Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Bali cho biết cộng đồng Adat Dalem Tambledan có thể nộp đơn lên chính quyền trung ương Indonesia để đòi các quyền như vậy. Những cánh rừng và hồ nước trước đây đã được chỉ định là khu vực bảo tồn, theo đó thiên nhiên phải được ưu tiên khi làm du lịch, chẳng hạn như cấm các tòa nhà kiên cố và hạn chế lượng khách. “Về nguyên tắc, nó không dành cho du lịch đại chúng”, ông Sumarsono khẳng định.
Ông Danny Marks, một học giả về chính sách và môi trường tại trường Dublin City University, cho rằng hoạt động du lịch có thể dẫn đến sự phá hủy môi trường sống tự nhiên, đặc biệt là những khu rừng và vùng đất thường có các nhóm bản địa cư trú. Các nhà đầu tư thường xâm phạm những cánh rừng, rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước để nhường chỗ cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và trung tâm thương mại, như ở Bali.
“Nếu ngành du lịch muốn đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, các nhà điều hành tour và các công ty cần phải làm việc trực tiếp với cộng đồng bản địa, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ. Chính phủ nên trao quyền chính thức cho người dân bản địa đối với vùng đất tổ tiên của họ”, ông Danny Marks cho biết.
Giờ đây khu rừng thiêng liêng của cộng đồng Adat Dalem Tambledan đang được thanh niên địa phương lập bản đồ, một phần trong nỗ lực kết nối những người trẻ tuổi với khu rừng tổ tiên và nhằm giành được các quyền quyết định tại đây. Già làng Ardana nói: “Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Càng nhanh chóng được công nhận quyền theo tập quán đối với rừng và hồ, chúng tôi càng có thể thực hiện tất cả những điều cần thiết để bảo tồn chúng sớm hơn”.