Du lịch đang phải 'gánh' thói quen xấu xí của người Việt?

'Chặt chém' du khách chỉ là một trong nhiều thói quen xấu xí của người Việt. Còn rất nhiều hình ảnh xấu xí ở ngoài đường, nơi công cộng mà bất cứ ai cũng thấy ngán ngẩm…

Chỉ trong vài ngày mà hàng loạt những hình ảnh xấu xí của người Việt tràn lan trên các phương tiện thông tin truyền thông, làm ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam, gây tâm lý bất an cho khách du lịch, thậm chí còn làm xấu đi hình ảnh đất nước.

Đó là việc một tài xế xích lô ở TPHCM “chặt chém” tới 2,9 triệu đồng một cụ khách người Nhật với "cuốc xe" chưa đầy 5 phút từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1). Hành động thật đáng lên án khi người chạy xích lô thò tay vào ví của cụ, lấy hết 5 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng rồi bỏ đi.

Còn ở bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), sau khi liên tục đeo bám, chèo kéo bất thành, tài xế Tuyền của hãng taxi Hoàn Kiếm đã dùng ô và thẳng tay hành hung 3 nữ khách.

Cụ Oki (ngoài cùng, bên trái)- người bị “chặt chém” tới 2,9 triệu đồng một "cuốc xe" chưa đầy 5 phút (ảnh: Thanh niên)

Cụ Oki (ngoài cùng, bên trái)- người bị “chặt chém” tới 2,9 triệu đồng một "cuốc xe" chưa đầy 5 phút (ảnh: Thanh niên)

Trong những năm vừa qua, phải khẳng định ngành du lịch cũng đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Hiệp hội du lịch quốc tế được các đại biểu Quốc hội dẫn ra trong phiên chất vấn hồi tháng 6 vừa qua, chỉ khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai, trong khi đó tỷ lệ này của Thái Lan là 70%. Có nghĩa là cứ 10 khách quốc tế mới có duy nhất 1 người muốn quay trở lại Việt Nam.

Việc khách du lịch không muốn quay trở lại Việt Nam lần 2 có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể tới vấn đề chất lượng dịch vụ và con người Việt Nam. Du khách quốc tế tìm đến Việt Nam với mong muốn khám phá, trải nghiệm ở một đất nước có nhiều phong cảnh đẹp và tìm hiểu văn hóa của con người nơi đây, chứ không phải đến để hưởng thụ những dịch vụ du lịch cao cấp, hiện đại như ở châu Âu, châu Mỹ và các nước tiên tiến khác. Vì thế những ứng xử, hành động của con người Việt Nam có tác động rất lớn đến việc họ có muốn quay trở lại hay không?

Qua những hình ảnh, câu chuyện phản cảm liên tục xảy ra vừa qua ở Việt Nam chắc chắn sẽ khó giữ chân được du khách và khiến họ muốn quay trở lại. Thêm nữa, những "review" của họ còn khiến những du khách có ý định muốn tìm hiểu về du lịch Việt Nam lại càng phải cân nhắc.

 "Tài xế côn đồ" Nguyễn Ngọc Tuyền, hãng taxi Hoàn Kiếm - kẻ đã dùng ô lao vào đánh, tát 3 phụ nữ vì lý do không lên xe taxi.

"Tài xế côn đồ" Nguyễn Ngọc Tuyền, hãng taxi Hoàn Kiếm - kẻ đã dùng ô lao vào đánh, tát 3 phụ nữ vì lý do không lên xe taxi.

Còn rất nhiều những hành động phản cảm, xấu xí của người Việt ảnh hưởng đến hình ảnh, văn hóa và du lịch của đất nước.

Đã xảy ra trường hợp lái xe, xích lô chặt chém khách du lịch nước ngoài đến nỗi người đứng đầu ngành Du lịch phải đến tận nơi ở của du khách để xin lỗi. Việc “chặt chém” không chỉ với khách du lịch mà ngay cả người Việt với nhau việc này cũng diễn ra thường xuyên, như là một thói quen hàng ngày của nhiều người kinh doanh hiện nay. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh theo kiểu “nhìn mặt mà bắt hình dong”, thấy khách có vẻ “ngơ ngác” là y như rằng "chặt chém" không thương tiếc, giá sẽ bị đội lên cao hơn bình thường rất nhiều, thậm chí đến mấy lần.

Tôi cũng đã nhiều lần bị chính chủ cửa hàng quen “chặt chém” chỉ vì "quên"... không hỏi trước. Mỗi khi ở quê gửi ra cho gà, tôi thường đem đến một cửa hàng quen làm thịt với giá 25.000 đồng/con. Hôm ấy tôi bận nên nhờ chồng xách 2 con gà xuống làm và chủ cửa hàng lấy của chồng tôi 100.000 đồng. Ghét cái thói làm ăn gian dối, hôm sau tôi xuống hỏi thì ông chủ cửa hàng thản nhiên: “Sao cô không bảo chú ấy nói trước là chồng mình. Nhìn to béo dáng có tiền nên tôi lấy thế cũng bình thường thôi”.

Hay có lần gia đình tôi lên Bờ Hồ chơi, lúc về chẳng may gặp mưa, chúng tôi và rất đông người đi chơi hôm đó đứng đợi taxi. Nhưng mỗi lần có taxi, mọi người ra hỏi đều phải quay vào vì giá được thét lên gấp 3-4 lần bình thường, các xe taxi lúc đó không chịu bấm đồng hồ tính tiền theo công tơ mét nữa. Cuối cùng tôi đành phải trả 200.000 đồng để đi 5 cây số mà bình thường chỉ phải trả 50.000-60.000 đồng.

“Chặt chém” du khách chỉ là một trong rất nhiều thói quen xấu xí của người Việt. Còn nhiều thói quen, hành động xấu xí khác ở ngoài đường, nơi công cộng mà bất cứ du khách nào nhìn thấy cũng thấy ngán ngẩm.

Ra đường người ta chen lấn, vượt đèn đỏ, không nhường đường cho người đi bộ khi có tín hiệu nhường đường là chuyện bình thường. Nếu xảy ra va chạm thì chưa biết đúng sai đã sẵn sàng lao vào chửi nhau, đánh nhau, có khi xảy ra án mạng. Còn ở những nơi công cộng thì xả rác, xô đẩy, mạnh ai nấy chen, các hành động thiếu văn minh vẫn xảy ra như cơm bữa...

Những thói xấu này sẽ ngày càng phát triển nếu được bao che, đặc biệt là khi chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc và thường xuyên. Những quy định, chế tài nếu chỉ dừng ở chiến dịch, "làm điểm", hoặc theo phòng trào, trong khi ý thức của nhiều người dân còn kém thì việc “nhờn” luật hoặc chỉ thực hiện mang tính đại khái, hình thức mà thôi.

Thực tế khi các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp và người dân cùng vào cuộc, thực hiện quyết liệt và quan trọng là phải thường xuyên, liên tục thì cũng có chuyển biến, các chiến dịch, phong trào có kết quả, trở thành ý thức của người dân, điển hình như quy định về đội mũ bảo hiểm.

Vì thế, để hạn chế những thói xấu của một bộ phận người Việt, ngoài những chế tài, quy định xử phạt đủ sức răn đe, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục với sự tham gia của các ngành, các cấp và toàn xã hội để hình thành ý thức của mỗi người. Việc này không đơn thuần là phát triển du lịch, giữ chân du khách mà quan trọng hơn, đó còn là hình ảnh, bộ mặt của đất nước và con người Việt Nam./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/blog/du-lich-dang-phai-ganh-thoi-quen-xau-xi-cua-nguoi-viet-940998.vov