Du lịch đảo vùng ven bờ: 'Mỏ vàng' chưa được đầu tư xứng tầm
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đảo vùng ven bờ, 'mỏ vàng' này mới được khai thác một phần rất nhỏ, manh mún, thiếu quy hoạch, do chưa được đầu tư xứng tầm.
Việt Nam có chỉ số biển cao gấp 6 lần trung bình toàn cầu. Hệ thống hải đảo và đảo ven bờ không chỉ khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và lãnh hải, mà còn có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cũng như du lịch.
Theo thống kê, lượng du khách quốc tế đến các đảo Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 có tốc độ tăng trưởng 23%. Trong đó, năm 2019 có hơn 1,5 triệu khách ra các đảo, thường là đến Cát Bà, Phú Quốc, một số ít đến Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Vân Đồn. Biển miền Bắc chủ yếu thu hút khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Đức, Hà Lan. Trong khi khu vực miền Trung được khách châu Âu, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Biển miền Nam phục vụ chủ yếu khách châu Âu, nhiều nhất là Anh, Italia, Pháp… Khách du lịch nội địa cũng tăng khoảng 23%/năm giai đoạn 2015 - 2019 và đạt 9,5 triệu lượt khách ra đảo vào năm 2019. Trong đó, 80-90% khách nội địa đến 2 đảo Phú Quốc và Cát Bà.
Phần lớn khách đi nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch đến đảo ven biển lại tăng rất mạnh, đạt 63,37%/năm giai đoạn 2015 - 2019.
Mặc dù tiềm năng rất lớn, doanh thu cao, nhưng phát triển du lịch đảo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ. Như chia sẻ của Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn: “Ngoài một số đảo đã phát triển như Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), rất nhiều đảo còn khó khăn về hạ tầng, giao thông, điện, nước, viễn thông… so với trên bờ. Nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Chưa có sự đầu tư để tái tạo các nguồn tài nguyên”.
Theo ông Tuấn, việc thiếu chính sách chung về phát triển du lịch đảo khiến tình trạng đầu tư du lịch đảo tự phát, không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, việc quản lý chồng chéo giữa các ngành đã gây trở ngại không nhỏ cho việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch đảo.
Mặt khác, giao thông đến các đảo mới chỉ có 2 sân bay quốc tế Vân Đồn, Phú Quốc và sân bay quốc gia Côn Đảo. Các Tập đoàn SunGroup, VinGroup, Tuần Châu… đã tham gia vào đầu tư cảng tàu khách nâng tổng số cảng biển lên 32. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một cảng biển hành khách chuyên dụng nào, gây khó khăn cho du khách khi muốn đến khám phá các đảo.
Ông Lưu Đức Kế, Công ty Du lịch Việt nhận định: “Hiện nay, 70% khách du lịch ở Việt Nam thường đi du lịch biển đảo, vì thế phát triển du lịch biển đảo là hướng đi đúng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào du lịch biển đảo không xứng tầm, không tính toán sức chứa sẽ phá vỡ cảnh quan, lãng phí, thậm chí xâm hại tài nguyên. Đầu tư cho du lịch phải là đầu tư dài hạn, có tầm nhìn, là đầu tư cho tương lai”.
Thực tế, chúng ta đã nhìn thấy bài học nhãn tiền của đảo Phuket (Thái Lan). Việc xây dựng ồ ạt, phá vỡ cảnh quan, môi trường, quá tải từ khoảng năm 1990 khiến đảo này phải dừng khai thác năm 2002 để trẻ hóa điểm đến, thiết kế và xây dựng lại toàn bộ. Còn ở Việt Nam, Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo cũng đang phát triển nóng. Rác thải, nước thải không được xử lý, bê tông hóa quá nhiều phá vỡ tính nguyên sơ.
Cùng với đó, khi thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ngành du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, chú ý vấn đề quy hoạch biển để xây dựng những đảo chuyên đề.
Dựa vào tài nguyên du lịch đặc thù của từng đảo ven biển trên cả nước, có thể xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, cao cấp, có sức cạnh tranh với thế giới. Trong đó, khu vực miền Bắc tập trung vào du lịch tham quan di sản, hang động, du thuyền cao cấp ở Hạ Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê...; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng ở Cô Tô, Thanh Lân, Cái Chiên, Tuần Châu...
Khu vực miền Trung nên chú trọng khai thác du lịch tâm linh, khám phá địa chất địa mạo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan cảnh quan vũng vịnh, thả rùa về với biển, nhặt rác bảo vệ môi trường. Du lịch gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo, thăm cột cờ, ngọn hải đăng ở Lý Sơn, Phú Quý, Đá Lát, Cù lao Xanh, Kê Gà…
Hệ thống đảo miền Nam có tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch MICE (kết hợp hội thảo, hội nghị), văn hóa, tâm linh, nghiên cứu, khám phá, lặn biển ngắm san hô, tắm biển, thể thao mạo hiểm biển…