Du lịch đạt doanh thu nghìn tỷ dịp Tết: Khởi đầu suôn sẻ
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hoạt động du lịch trên cả nước diễn ra sôi động. Số lượng khách nội địa và quốc tế tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận doanh thu lớn trên nghìn tỷ đồng. Cùng với sự phối hợp tích cực của các bên, kết quả này được coi là bước chạy đà thuận lợi để ngành du lịch thực hiện mục tiêu đạt doanh thu 980-1.050 tỷ đồng năm nay.
Nhiều địa phương đạt doanh thu nghìn tỷ
Gần 40 chuyến bay quốc tế mỗi ngày, TP. Phú Quốc - điểm đến du lịch nổi tiếng đã có một kỳ nghỉ lễ bận rộn, khi đón hàng trăm nghìn lượt khách. Chỉ tính riêng đường hàng không, Phú Quốc đón 10.000 đến hơn 11.000 khách mỗi ngày, trong đó có đến 38-39 chuyến bay quốc tế, chiếm tới 75% lượng khách. Thu hút hơn 74.833 lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024, Phú Quốc là một trong những điểm sáng của cả nước về lượng khách quốc tế đến nghỉ dưỡng.
Thành phố đảo đang cho thấy đà phát triển trên đường đua trở thành địa điểm nghỉ lễ của du khách trong nước và khách quốc tế. Theo lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc, từ ngày 25/1 đến ngày 2/2, Thành phố đón 281.659 lượt khách, tăng 47% so với cùng kỳ.
Tính chung toàn tỉnh Kiên Giang ước đón 471.191 lượt khách, tăng 19,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.886,3 tỷ đồng, tăng tới 49,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết: Ngoài sở hữu cảnh quan đẹp, Phú Quốc có đầy đủ dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, việc miễn thị thực cho toàn bộ du khách trên thế giới trong 30 ngày cũng góp phần đưa đảo ngọc trở thành điểm đến được quốc tế đánh giá cao.
Một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán 2025 như: Đà Nẵng đón tàu Crystal Symphony và tàu Silver Dawn đưa 1.800 khách Mỹ, Anh tham quan các điểm đến trong thành phố; Quảng Ninh đón 04 chuyến tàu biển Mediteranea, Celebrity Solstice, Silver Dawn và Crystal Symphony với tổng số 6.000 khách và 4.000 thuyền viên đến “xông đất”… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển ngay từ những ngày đầu năm hứa hẹn một năm nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này.
Đây là một trong những trường hợp điển hình về điểm sáng du lịch đầu năm 2025. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày cùng với thời tiết thuận lợi nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhộn nhịp trên hầu khắp các điểm đến du lịch trong cả nước.
Trong danh sách các địa phương đạt doanh thu nghìn tỷ dịp Tết Nguyên đán, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với lượng khách ước 2,1 triệu lượt, tăng 16,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024. Hà Nội ước đón 01 triệu lượt khách, tăng 6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85%. Quảng Ninh ước đón 969.000 lượt khách; tăng 21%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.665 tỷ đồng, tăng 71%. Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 869.433 lượt khách, tăng 27,09%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 558,4 tỷ đồng, tăng 23,78% so với cùng kỳ năm 2024. Khánh Hòa ước đón 825.195 lượt khách, tăng 30,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 1.246 tỷ đồng, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đà Nẵng ước đón 469.000 lượt khách, tăng 16,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.887 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024. Lào Cai ước đón 331.382 lượt khách, tăng 24,96%; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.201 tỷ đồng, tăng 33%...
Trong đó, các địa phương ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao như: Quảng Ninh ước đón 228.700 lượt khách; Đà Nẵng ước đón hơn 228.000 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024; Quảng Nam ước đón 157.000 lượt, tăng 40%; Hà Nội ước đón 142.000 lượt khách, tăng 15,8%; TP. Hồ Chí Minh ước đón 87.358 lượt khách, tăng 16,5%; Kiên Giang ước đón 76.653 lượt khách; TP. Huế ước đón 60.170 lượt khách, tăng 33%.
“Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng là nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương trong làm mới sản phẩm và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá.
Khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để "chắp cánh" cho du lịch…
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, những kết quả đạt được của ngành du lịch vừa qua đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhờ vào việc các địa phương, doanh nghiệp tập trung chuẩn bị tốt trong công tác xúc tiến, tiếp đón dù trong thời gian cả nước nghỉ lễ.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, xác định dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thu hút đông du khách, Cục đã sớm có văn bản đề nghị các địa phương tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón khách. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Thông tin du lịch phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, điểm đến tới du khách trong và ngoài nước trong dịp Tết; đăng tải bài viết cảnh báo các chiêu trò lừa đảo mua vé máy bay, tour, phòng khách sạn… giá rẻ trên không gian mạng.
Những kết quả này còn đến từ sự năng động, đổi mới của các doanh nghiệp lữ hành. Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, các đơn vị lữ hành lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt… đã xây dựng nhiều chương trình tour mới cả trong và ngoài nước với nhiều chương trình, hình thức khuyến mại hấp dẫn; trong đó tập trung nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết phát triển theo định hướng “một cung đường, nhiều điểm đến”, đa dạng hóa dịch vụ nhằm tăng doanh thu dịp Tết.
Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980-1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm...
Đặc biệt, sự phối hợp giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được đánh giá là bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch ngay từ dịp Tết năm nay, khi hai bên đã ký kết ghi nhớ hợp tác nhằm xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động du lịch đường sắt giai đoạn 2024-2030.
Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác những đội tàu có tính chuyên biệt mang dấu ấn văn hóa vùng miền và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của hành khách đi tàu.
Đáng chú ý, thị trường du lịch Tết chứng kiến nhiều sản phẩm tour bằng tàu hỏa trên các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Quảng Bình hay TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, Huế, Đà Nẵng... “Chuyến tàu Xuân” đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị: đón giao thừa trên tàu với chương trình countdown tiệc ngọt, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn đặc trưng ngày Tết...
“Tổng công ty đã và đang từng bước đầu tư chỉnh trang nội ngoại thất các nhà ga lớn; triển khai các hoạt động thương mại, dịch vụ mới với mục tiêu xây dựng mỗi ga thành một điểm đến, tạo sự thu hút khách du lịch và người dân” - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, ngoài việc đảm bảo các nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đổi mới để thu hút người dân sử dụng dịch vụ, năm 2025, Tổng công ty sẽ duy trì sự đa dạng hóa về sản phẩm dịch vụ, tích cực làm việc với các địa phương đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Tập trung nâng cao, gắn kết đồng bộ chất lượng sản phẩm dịch vụ trên tàu dưới ga; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng cáo về sản phẩm dịch vụ để cải thiện hình ảnh, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Với tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống kết nối giao thông và tiềm năng sẵn có, sự vào cuộc tích cực của ngành đường sắt cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành để cùng với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách đến Việt Nam” - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Về phía các cơ sở lưu trú du lịch đã chủ động chỉnh trang, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ khách du lịch dịp Tết.
"Nhìn chung, giá phòng năm nay có sự tăng nhẹ từ 5-10%, không xảy ra tình trạng cháy phòng, chặt chém giá phòng, bán sai giá niêm yết" - đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, những tín hiệu tích cực của thị trường du lịch Tết Nguyên đán 2025 - kỳ nghỉ dài đầu tiên của năm mở ra nhiều hy vọng khởi sắc cho du lịch Việt Nam năm nay. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cùng các doanh nghiệp phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ, không ngừng đổi mới điểm đến, chất lượng dịch vụ để thu hút được du khách quốc tế.