Du lịch Điện Biên ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19
ĐBP - Ngành Du lịch tỉnh Điện Biên đã và đang phải chịu những tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4. Trước đó, Lễ hội Hoa Ban - điểm nhấn thu hút du khách của Điện Biên thêm một lần lỡ hẹn. Ngoài ra, Điện Biên lại không may mắn khi có tên trên bản đồ dịch bệnh với 58 ca nhiễm trong đợt dịch. Dù đã kịp thời kiểm soát tốt tình hình nhưng nỗi lo dịch bệnh vẫn khiến Điện Biên không còn an toàn trong mắt du khách. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 tiếp tục gây ra những diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành khác trên cả nước nên việc đi lại, di chuyển của người dân cũng hạn chế hơn rất nhiều. Tất cả các nguyên nhân đó dẫn đến thực trạng là lượng khách đến với Điện Biên, nhất là từ sau nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đến nay sụt giảm nghiêm trọng. Ngành du lịch lại một lần nữa rơi vào trạng thái 'đóng băng' khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Du khách tham quan, mua sắm vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Các điểm di tích trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ vẫn mở cửa phục vụ khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, chỉ đóng cửa vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng từ ngày 6/2 đến hết ngày 3/3. Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích tỉnh, tổng số khách đến tham quan các điểm trong 6 tháng đầu năm Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ ước thực hiện là: 89.559 lượt người, đạt 42,65% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 từ đầu tháng 5 đến nay, các điểm di tích dù vẫn mở cửa phục vụ, đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng dịch nhưng hầu như không có khách hoặc chỉ có một vài khách nội tỉnh tới tham quan vào dịp cuối tuần. Điều đó cho thấy dịch bệnh đã tác động tới tâm lý của du khách, không muốn đi du lịch vào thời điểm này. Anh Hoàng Thanh Tùng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên mời bạn từ TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (địa phương hiện không phải vùng dịch) lên Điện Biên tham quan. Tuy nhiên những nguy cơ lây nhiễm, những quy định gắt gao về cách ly khiến người bạn này e ngại. Anh Tùng chia sẻ: Biến chủng mới của SARS-CoV-2 hết sức nguy hiểm. Nếu như không may bay cùng chuyến với F0 nào đó thì có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Còn nếu đi xe cá nhân thì lại rất vất vả vì quãng đường quá dài. Hơn nữa, khi đi từ địa phương khác về, nhất là Điện Biên nơi từng bùng phát dịch thì có phải cách ly không, cách ly như thế nào, trong thời gian bao lâu?... Điều đó khiến họ lo lắng và tạm hoãn chuyến thăm Điện Biên cho đến khi tình hình dịch bệnh trong cả nước được kiểm soát.
Du khách giảm đồng nghĩa với các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cũng rơi vào tình trạng vắng khách. Toàn tỉnh hiện có 215 cơ sở lưu trú du lịch, bản văn hóa có khả năng đón tiếp, phục vụ khách thì hầu hết đều đang hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động. Homestay Phương Đức, bản Che Căn, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) là một trong số những cơ sở chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đã nhiều tháng nay, hoạt động của cơ sở này dường như bị đình trệ hoàn toàn. Chủ cơ sở phải trở lại làm nông nghiệp để tiếp tục duy trì cuộc sống. Anh Lò Văn Đức, chủ Homestay Phương Đức cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên 2 năm nay lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Nhất là 4 tháng gần đây, chúng tôi không có khách tới ăn, nghỉ. Không có khách đồng nghĩa với không có thu nhập, chúng tôi hết sức khó khăn. Giải pháp hiện nay chỉ có thể trông chờ vào việc kiểm soát tình hình dịch bệnh thì du lịch mới có cơ hội hồi phục. Chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm… để sẵn sàng phục vụ khi dịch đi qua”.
Theo thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dự ước tổng lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm đạt 323.216 lượt, đạt 35,5% kế hoạch năm; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 531 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch năm. Những con số trên cho thấy du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Để du lịch có thể nỗ lực thích ứng và khôi phục hoạt động du lịch trong tình hình mới, việc đầu tiên cần làm là tập trung thực hiện tốt các hướng dẫn an toàn trong phòng, chống dịch để tạo điểm đến an toàn cho du khách. Tiếp đó là tích cực xây dựng, triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, tập trung ưu tiên các thị trường trọng điểm, khách du lịch nội địa và kích cầu du lịch nội tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm đón khách du lịch quốc tế… Toàn ngành Du lịch cùng phải quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.