Du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Gần như không có khách đăng ký
Thường dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hàng năm là thời điểm các đơn vị làm du lịch đưa ra nhiều chương trình kích cầu, thu hút du khách, nhưng năm nay du lịch rất im ắng, gần như không có khách đăng ký.
Những động thái thăm dò thị trường
Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Tân Thế Giới cho biết: Đơn vị đang triển khai bán dịch vụ lẻ như voucher một số chuỗi khu resort, khách sạn tại Quy Nhơn, Phú Quốc. Tuy nhiên, đây là những dịch vụ có thời gian nghỉ dài, còn dịp 30/4 năm nay thì gần như không có khách. Nguyên nhân là với tình hình hiện nay, các tỉnh mới khôi phục lại hoạt động kinh tế xã hội, nguồn thị trường khách lớn là Hà Nội cũng cần thời gian để thích ứng sau dịch, nhất là tâm lý an toàn khi đi du lịch, nên khách hầu nhưu không có. Dự kiến phải cuối quý II, đầu quý III/2020, du lịch nội địa mới phục hồi được.
Còn theo bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecosea Travel, cũng có khách đặt chỗ tại điểm nghỉ du lịch cộng đồng tại Hải Hậu (Nam Định) nhưng là nhóm khách gia đình từ Hà Nội có cự ly di chuyển vừa phải.
Đại diện Vietrantour cho biết: Dịp 30/4 - 1/5 gần như không có khách do vẫn chịu tác động của dịch COVID-19. Các tỉnh cũng không quảng bá sự kiện du lịch. Một số đơn vị triển khai bán dịch vụ chỉ mang tính chất thăm dò thị trường, còn bán thành hệ thống và chương trình lớn thì gần như "im ắng".
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ lớn nhất dành cho du lịch đến từ hàng không, nhưng thực tế các chuyến bay chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, chưa hướng nhiều đến hoạt động du lịch. “Tâm lý khách vẫn đang còn e ngại bởi các khuyến cao của ngành y tế và dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Thị trường miền Bắc có điểm đến Hà Nội thì du khách vẫn e ngại do còn ổ dịch tại Mê Linh và Thanh Trì vẫn đang phải cách ly”, đại diện Vietrantour cho biết.
Cần một sự liên kết
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô cho biết: Theo khảo sát của các thành viên CLB, gần như tất cả các hoạt động du lịch “ngủ đông”. Nhiều khách sạn, nhà hàng trong khu vực phố cổ Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc. Do đó, việc phục hồi cần có thời gian và động thái rõ ràng từ cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương. Đến nay, CLB du lịch Thủ đô chưa nhận văn bản hoặc chương trình nào về các tuyến điểm du lịch khởi động lại.
Đại diện Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết, nhóm liên minh kích cầu lần 1 cũng sẽ họp bàn lại về chương trình khởi động cho du lịch. Tuy nhiên, việc khởi động còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch. Nếu tình hình dịch vẫn được khống chế như trong tuần qua, thì du lịch nội địa có thể hồi phục trong tháng 5 nếu được truyền thông tốt.
Đại diện các doanh nghiệp cũng chung một nhận định, sau khi dịch COVID-19 được khống chế thì mô hình kinh doanh du lịch sẽ thay đổi nhiều so với hiện nay. Một đơn vị sẽ khó có thể làm nổi chương trình kích cầu mà cần sự liên kết giữa các đơn vị, điểm đến tạo sức mạnh chung. Hoạt động trước tiên sẽ là phát triển du lịch nội địa, trong đó có thể là những điểm đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Có thể nhận thấy, do tác động của dịch COVID-19, du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay rất trầm lắng. Hoạt động du lịch chỉ khôi phục khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế hoàn toàn và động thái rõ rệt hơn từ các hãng hàng không, các khu resort, các điểm đến...