Du lịch 'đóng băng' chờ qua đại dịch

Thực hiện kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế với khách tại một cơ sở du lịch. Ảnh: PV

Chưa bao giờ các hoạt động sản xuất kinh doanh lại bị dồn ứ, khủng hoảng như hiện nay. Trong đó, du lịch, hàng không và các dịch vụ liên quan gần như “đóng băng” chờ qua đại dịch.

Dịch COVID-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam và mùa lễ hội đã tác động tiêu cực đến ngành Du lịch. Theo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách nội địa và quốc tế đồng loạt hủy dịch vụ nên doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng.

Đặc biệt từ ngày 15/3, khi dịch diễn biến phức tạp, các điểm tham quan du lịch đóng cửa, các chuyến bay quốc tế thắt chặt. Những tỉnh trước đây được đánh giá là an toàn cũng đã có nhiều ca cách ly y tế tập trung..., các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Cơ cấu lại nhân sự

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 chỉ gần 450.000 lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ và giảm 63,8% so với tháng trước. Lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không giảm 65,7%, đường bộ giảm 77,9%, đường biển giảm 55,2%. Hai thị trường khách quốc tế hàng đầu Việt Nam là Hàn Quốc và Trung Quốc giảm trên 90%, các thị trường khác giảm trên 50%

Tại Phú Yên, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh trong tháng 3/2020 là 84.110 lượt, giảm 38% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 1.620 lượt, giảm 31% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu trong hoạt động du lịch đạt 79,9 tỉ đồng, giảm 43,5%. Dự báo trong thời gian tới, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các hoạt động du lịch phải tạm ngưng để ưu tiên phòng, chống dịch.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đã phải chuyển sang hình thức kinh doanh online đồng thời cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Chị Thái Mộng Trinh, chủ nhà hàng Cơm niêu Tuy Hòa cho biết: “Từ giữa tháng 3, các tour khách du lịch đồng loạt hủy toàn bộ dịch vụ. Gần đây, thực hiện lệnh cấm tập trung đông người, nhà hàng đã chủ động đóng cửa, chuyển sang hình thức bán online cho khách nội tỉnh”. Tương tự, nhà hàng Năm Ánh, một trong chuỗi nhà hàng ăn uống du lịch cũng đẩy mạnh bán hàng online, phục vụ tận nơi cho khách nội thành.

Với các cơ sở khách sạn có đông nhân viên, hiện tại đã phải thực hiện cắt giảm. Chị Cao Lê Hoài Thảo, Giám đốc khách sạn Hùng Vương cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, cơ sở áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo đủ điều kiện an toàn, vẫn hoạt động đón khách. Tuy nhiên, gần đây đơn vị buộc phải cắt giảm, cho nhân viên nghỉ luân phiên mỗi tuần ít nhất 3 ngày. Resort 5 sao Rosa Alba ngay tại bờ biển TP Tuy Hòa, thường ngày khách gần như kín phòng, hiện nay cũng vắng hoe. Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc điều hành resort này cho biết, ngoại trừ cán bộ khung tiếp tục làm việc, đơn vị phải luân phiên cho nhân viên ở các bộ phận nghỉ, chỉ duy trì số lượng vừa phải đủ hoạt động, đồng thời giữ chân nhân viên để hoạt động trở lại khi hết dịch.

Gói “cấp cứu” cho doanh nghiệp

Trong cơn khủng hoảng do dịch COVID-19, ngoài những cơ sở lưu trú không đủ điều kiện an toàn, Bộ VH-TT-DL yêu cầu các địa phương chọn những khách sạn đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch công bố công khai để du khách tiếp cận sử dụng dịch vụ. Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến nay, có 156 cơ sở lưu trú trên cả nước tự nguyện đăng ký tham gia vào việc cách ly phòng chống dịch COVID-19 có thu phí với 14.723 buồng phòng, 18.305 giường. Phú Yên có 4 khách sạn trong nhóm này gồm: Kaya, Hùng Vương, Công Đoàn và Sài Gòn - Phú Yên.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ khó khăn, duy trì đà tăng trưởng của ngành Du lịch và các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại… trong thời gian tới, các địa phương, các hiệp hội, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, phục hồi, sẵn sàng trở lại khi qua cơn đại dịch.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khóa hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Với gói 80.000 tỉ đồng tăng cường, doanh nghiệp sẽ được vay không lãi suất để trả lương nhân viên. Trước đó để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 250.000 tỉ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các doanh nghiệp chịu tác động bởi COVID-19.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/236863/du-lich--dong-bang--cho-qua-dai-dich.html