Du lịch 'đóng băng', mục tiêu năm 2020 khó thành
Quý I/2020, ngành du lịch Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử do dịch Covid-19. Dự báo, trong tháng 4, ngành kinh tế xanh vẫn 'đóng băng', mục tiêu đón 20,5 triệu khách quốc tế trong năm 2020 rất khó hoàn thành.
Thị trường trọng điểm sụt giảm
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm sâu chưa từng có khi chỉ đạt gần 450.000 lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Trong đó, hai thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt giảm 91,5% và 91,4%.
Về khách nội địa trong quý I, theo ước tính của Tổng cục Du lịch, đạt 13 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa, đã tác động tiêu cực rất lớn đến toàn ngành. Du lịch Việt Nam sẽ bị thiệt hại nặng nề, chắc chắn không đạt chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như mục tiêu đặt ra.
Các cơ sở kinh doanh lữ hành, lưu trú, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc luân phiên hoặc buộc cho nhân viên thôi việc. “Hiện nay, mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Có thể nói, sức mạnh của ngành du lịch nằm ở các doanh nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động như thế này rất đáng lo ngại cho sự phát triển trong tương lai của ngành”, ông Chung lo lắng.
Những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra là điều chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp không khói nước ta. Nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, đang dạng hóa thị trường, chuyển nguy thành cơ. Doanh nghiệp nào trụ được thì sẽ phát triển rất nhanh, mạnh sau đại dịch.
- Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Covid-19 khiến hầu hết khách sạn, cơ sở lưu trú phải đương đầu với thách thức khắc nghiệt nhất trong lịch sử của ngành. Không chỉ khách sạn vừa và nhỏ, ngay cả các cơ sở lưu trú của các tập đoàn khách sạn lớn ở Hà Nội như Sofitel Legend, Metropole, Intercontinental, Sheraton, Pan Pacific Hanoi… cũng bị khủng hoảng.
Trưởng phòng truyền thông Khách sạn Pan Pacific Hanoi Nguyễn Hạnh Linh cho hay: “Hiện mỗi ngày, công suất phòng của khách sạn chỉ đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, chúng tôi không cắt giảm nhân sự, mà giảm chi phí bằng những hình thức khác, như thực hiện gói giảm giá phòng, đẩy mạnh dịch vụ đồ ăn nhanh và nhân viên được điều động làm ca. Vì thế, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc miễn giảm thuế và đóng bảo hiểm cho người lao động”.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, có 156 cơ sở lưu trú là khách sạn 3 - 5 sao của 24 tỉnh, thành phố với 14.723 buồng phòng, 18.305 giường đăng ký sử dụng cơ sở lưu trú, khách sạn vào việc cách ly tập trung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố. Các cơ sở sở lưu trú du lịch này phục vụ việc lưu trú cách ly người Việt Nam và người nước ngoài từ các nước có dịch nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức có trả phí.
Theo các chuyên gia, với tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, giải pháp tự nguyện đăng ký làm điểm cách ly có thể giúp một số khách sạn duy trì hoạt động trong khoảng thời gian thấp điểm của mùa lưu trú. Đặc biệt, giải pháp này là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa với lời kêu gọi của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Nhân viên, giám đốc công ty du lịch xoay đủ nghề
Dự báo, trong tháng 4, lệnh tạm dừng nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh trong nước tiếp tục khiến du lịch “đóng băng”. Bởi thế, hiện rất nhiều nhân viên và cả giám đốc các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành phải xoay đủ nghề để có thu nhập.
Ông Lê Công Năng, đại diện Công ty Du lịch Việt cho biết, đơn vị đã tạm dừng tổ chức tour du lịch trong và ngoài nước đến hết ngày 20/4/2020, đồng thời, khuyến khích nhân viên làm việc online, chỉ đến văn phòng khi cần thiết. Để có nguồn thu và giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Công ty Du lịch Việt đã chuyển hướng kinh doanh sang phân phối khẩu trang kháng khuẩn và nước rửa tay diệt khuẩn, song vẫn không quên nhiệm vụ chính và chuẩn bị sẵn sàng vực dậy mảng du lịch với nhiều sản phẩm chất lượng ngay sau khi dịch bệnh qua đi.
Cùng với việc tìm nguồn thu từ dịch vụ khác, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho biết, đang chủ động sắp xếp lại lao động, rà soát, cắt giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động. Họ coi đây là mùa thấp điểm sớm trong năm nay để cơ cấu lại hoạt động và chuẩn bị kịch bản sẵn sàng đón đầu khi thị trường nội địa và quốc tế khôi phục.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa với khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, khách nội địa có thể là nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.
“Việc đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Các doanh nghiệp du lịch cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti phân tích.