Du lịch Hàn Quốc cảnh báo du khách tránh 'bẫy lừa đảo tour bán phá giá'
Báo chí Hàn Quốc ngày 28/9 đưa tin về việc thủ đô Seoul phát hiện các tour du lịch trọn gói giá rẻ, với nhiều điểm dừng mua sắm khiến du khách phàn nàn vì quá ít thời gian trải nghiệm lịch sử và văn hóa của Hàn Quốc. Thậm chí còn xảy ra cảnh du khách bị buộc phải mua hàng mới được rời đi.
Thành phố Seoul phát hiện các tour du lịch giá rẻ "tràn lan mua sắm bắt buộc"
Tình trạng "bẫy lừa đảo tour trọn gói giá rẻ" kể cả các "tour 0 đô la" từng xảy ra trước đây, khiến chuông cảnh báo đã được gióng lên dẫn tới công bố hồi tháng 7 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hàn Quốc về sửa đổi hướng dẫn (với các hãng du lịch và lữ hành). Mục tiêu nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách Trung Quốc đi tour theo đoàn tới Hàn Quốc, đồng thời loại bỏ các tour "bán phá giá" (dumping tours).
Nay chuông báo động về "bẫy lừa đảo tour du lịch trọn gói giá rẻ" lại được Chính quyền Thủ đô Seoul gióng lên sau một cuộc điều tra bí mật. Cụ thể là sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn của du khách về tình trạng bị buộc phải mua sắm khi tham gia một số tour du lịch giá rẻ, chính quyền Seoul đã tung 7 "đặc tình" là công dân nước ngoài vào vai du khách, tham gia 7 gói tour Hàn Quốc giá rẻ được bán tại 1 quốc gia ở khu vực Đông Á và 1 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Kết quả cho thấy hầu hết gói tour giá rẻ kiểu này đều tập trung vào mua sắm hơn là du lịch, với mỗi gói tour có lịch trình bao gồm từ 4 đến 8 điểm dừng mua sắm bắt buộc với du khách. Hàng hóa bán ra chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng miễn thuế (do thường thiếu thông tin về nguồn gốc hoặc ngày sản xuất, nên du khách nghi ngờ về chất lượng).
Các "đặc tình" còn ghi nhận sự khác biệt đáng kể trong thái độ của những hướng dẫn viên du lịch "kiên trì giới thiệu sản phẩm" ngay cả trên xe buýt để "đáp ứng hạn ngạch bán hàng". Hoặc có thái độ ứng xử khác nhau dựa trên mức chi tiền khi du khách shopping. Có trường hợp hướng dẫn viên ngăn cản du khách rời khỏi nơi mua sắm trong thời gian dài, chỉ cho phép khởi hành trở lại sau khi du khách đã mua hàng.
Tình trạng trên được nhấn mạnh trong một số bài viết ngày 28/9 dưới các tiêu đề: "Thành phố Seoul phát hiện các tour du lịch trọn gói giá rẻ tràn lan tình trạng mua sắm bắt buộc" (Seoul City finds low-cost package tours rife with forced shopping) trên báo Korea Times; "Seoul loại bỏ các tour du lịch 'bán phá giá' liên quan đến mua sắm bắt buộc, kém văn hóa" (Seoul to flush out 'dumping' tours that involve forced shopping, little culture) trên nhật báo Korea JoongAng…
Du khách được khuyến cáo tránh "bẫy lừa đảo tour du lịch bán phá giá"
Trước đó trong thông báo ngày 26/9, Chính quyền Seoul cho biết: Sau khi phát hiện một số công ty du lịch tham gia vào hành vi lừa đảo, thông qua các gói tour giá rẻ ("tour bán phá giá" - "dumping tours"), họ đang thực thi các hành động nhắm vào những công ty du lịch cung cấp tour chi phí thấp, chất lượng thấp, với giá dưới mức trung bình. Sau đó các công ty này bù đắp chi phí phát sinh bằng cách "đổ" du khách xuống các đại lý bán lẻ hàng hóa đã có thỏa thuận ngầm để tạo ra doanh thu, buộc du khách phải mua hàng.
Seoul cũng có kế hoạch kết hợp với chính quyền trung ương và Đại sứ quán Trung Quốc nhằm trấn áp các "tour bán phá giá" bất hợp pháp - vốn được cho là một biến tướng của loại hình tour du lịch kèm shopping (là hình thức tour du lịch trọn gói, được một số điểm mua sắm ở nước ngoài tài trợ).
Về sự khác nhau giữa du lịch kèm shopping với du lịch không mua sắm (no shopping), website của nhà điều hành tour du lịch trực tuyến lớn tại Trung Quốc Travel China Guide ngày 21/7 đăng phân tích của các chuyên gia trong bài viết có tiêu đề "Tour mua sắm so với tour không mua sắm ở Trung Quốc" (Shopping Vs. No-Shopping Tours in China).
Theo các chuyên gia, hầu hết hãng lữ hành Trung Quốc đều sắp xếp hành trình du lịch xen kẽ các điểm dừng chân tại những cửa hàng bán đồ lưu niệm và cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó cũng có một số hãng lữ hành cung cấp tour cao cấp không có điểm dừng mua sắm (no shopping), với mức giá cao hơn. Vì thế du khách nên cân nhắc kỹ trước khi mua tour để tận dụng tốt nhất số tiền chi phí cho du lịch.
Với những gói tour có mức giá rẻ bất thường, thậm chí còn được bán dưới mức giá thành hoặc "miễn phí" ("tour 0 đô la"), du khách được khuyến cáo "hãy cẩn trọng!" Do tất cả lợi nhuận của hãng lữ hành đều đến từ tiền "hoa hồng" của các cửa hàng và dự án tự chi trả, nên "không có gì lạ khi các điểm mua sắm được bố trí nối tiếp nhau, du khách bị lừa hoặc ép mua sắm".
Trên thế giới hiện đang phát triển xu hướng du lịch mua sắm (shopping tourism) và được dự kiến sẽ đạt 497,97 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 9,3% giai đoạn 2024-2031.
Các điểm đến du lịch được Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) tư vấn nên tận dụng xu hướng thị trường mới này, bằng cách phát triển những trải nghiệm mua sắm đích thực và độc đáo. Qua đó giúp tăng thêm giá trị dịch vụ du lịch của địa phương. Đồng thời củng cố, tiến tới xác định thương hiệu và định vị du lịch của điểm đến.
Nguồn: Korea Times, Korea JoongAng, Travel China Guide