Du lịch hứa hẹn một tương lai tươi sáng
Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động. Riêng lĩnh vực du lịch được quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động du lịch tỉnh Sóc Trăng ngày càng đi vào nề nếp và mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin đồng chí khái quát về bức tranh hoạt động du lịch tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay?
Thạc sĩ Trần Minh Lý: Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch.
Du lịch tỉnh nhà có nhiều tiềm năng, tuy chỉ mới được tập trung khai thác, phát huy trong 10 năm trở lại đây, nhưng kết quả đem lại bước đầu rất phấn khởi. Du lịch được quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tỉnh nhà và ngày càng đi vào nề nếp, mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, hứa hẹn một tương lai, triển vọng tươi sáng.
Ngày 2-8-2016, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7-7-2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Đặc biệt là Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 28-2-2022 của HĐND tỉnh đã thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những tiền đề rất quan trọng có tính đột phá để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới. Theo đó, Sóc Trăng đã dần hình thành được nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, ngày càng thu hút, hấp dẫn du khách hơn. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch phát triển đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực; đã có trên 10 dự án, hạng mục công trình xã hội hóa đã được triển khai với tổng kinh phí trên 863 tỷ đồng, trong đó, có 4 dự án triển khai và đưa vào phục vụ du khách và nhiều dự án, công trình đang triển khai thực hiện. Tỉnh đã đưa vào danh mục 13 dự án thu hút đầu tư về phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án phát triển du lịch, với tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, chợ đầu mối nông sản cấp quốc gia, cửa hàng tiện lợi tại các huyện, thị xã, thành phố đang kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng.
Đó là những thành tựu quan trọng, nổi bật thời gian qua, cho thấy sự phát triển đi lên bền vững của hoạt động du lịch tỉnh nhà.
Phóng viên: Theo đó, đâu là tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy hoạt động du lịch tỉnh nhà phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai?
Thạc sĩ Trần Minh Lý: Sóc Trăng là tỉnh có nhiều giá trị văn hóa độc đáo thể hiện qua các mặt đời sống hàng ngày của người dân từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên vùng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Với diện tích hơn 3.300km2, có 50km chiều dài của sông Hậu với hệ thống các cù lao, vườn cây ăn trái xanh mát, trĩu quả và 72km bờ biển với bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển. Sóc Trăng có 5 quốc lộ đi qua, có 3 cửa sông lớn thông ra biển Đông để kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước và nước bạn Campuchia.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng ổn định, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; bước đầu đã hình thành các cụm du lịch tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung; du lịch biển ở bãi biển Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu), bến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo; du lịch văn hóa tâm linh, với 200 ngôi chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo mang những nét đặc trưng riêng của văn hóa, tín ngưỡng của từng dân tộc và những nét giao thoa của quá trình cộng cư trên vùng đất Sóc Trăng, trong đó có nhiều ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, nhiều di tích là điểm tham quan du lịch như chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Kh'leang, chùa La Hán, chùa Som Rong, Đền thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng... nhiều lễ hội mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển như: Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông; lễ hội gần gũi, bình dị như Lễ hội Cúng Dừa; Ngày hội sông nước miệt vườn. Đặc biệt, Sóc Trăng được du khách biết đến với Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức vào ngày 15-10 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Về ẩm thực, với nhiều món ăn đặc sản của tỉnh là bánh cóng và bún nước lèo, ngoài ra còn bánh pía, lạp xưởng, củ hành tím, tỏi và xá pấu Vĩnh Châu…
Tất cả là tiềm năng, thế mạnh của Sóc Trăng đã và đang là tiền đề, động lực để thúc đẩy hoạt động du lịch tỉnh nhà phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai.
Phóng viên: Từ những thế mạnh và tiềm năng đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã đưa ra những định hướng và tầm nhìn như thế nào cho sự phát triển du lịch thời gian tới thưa đồng chí?
Thạc sĩ Trần Minh Lý:Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm nghệ nhân dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch Sóc Trăng.
Triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh về phát triển du lịch, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển Du lịch Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tích cực tham gia các hoạt động của Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tham mưu UBND tỉnh và xin chủ trương về kêu gọi dự án đầu tư xây dựng sân golf và các dịch vụ phụ trợ cho sân golf tại Cồn nổi số 3 (huyện Long Phú); Dự án Khu Lâm Viên vui chơi giải trí, tham quan du lịch tại Khóm 6, Phường 9 (TP. Sóc Trăng) và nhiều dự án phát triển du lịch khác theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
HOÀNG PHÚC (Thực hiện)