Du lịch khám phá lịch sử, văn hóa làng cổ Đông Ngạc

Đến làng Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), không khó để tìm dấu xưa qua những nếp nhà cổ. Những mái ngói, những viên gạch vẫn hằn in câu chuyện về một ngôi làng vốn nổi tiếng đất kinh thành Thăng Long, được mệnh danh là làng khoa bảng. Ngày nay, bên cạnh việc giữ gìn những nếp nhà xưa, chính quyền và nhân dân phường Đông Ngạc cũng đang từng bước biến nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Đến làng Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), không khó để tìm dấu xưa qua những nếp nhà cổ. Những mái ngói, những viên gạch vẫn hằn in câu chuyện về một ngôi làng vốn nổi tiếng đất kinh thành Thăng Long, được mệnh danh là làng khoa bảng. Ngày nay, bên cạnh việc giữ gìn những nếp nhà xưa, chính quyền và nhân dân phường Đông Ngạc cũng đang từng bước biến nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Ngôi làng khoa bảng

Những ngày đầu hè, khi tiết trời Hà Nội trở nên nắng nóng, ngột ngạt thì trong làng Đông Ngạc, không khí mát mẻ, dễ chịu đến lạ. Ông Phạm Quang Đại, “pho sử” của làng dẫn chúng tôi đi dạo theo con đường nhỏ giữa những nếp nhà cổ xen kẽ, ẩn trong những vườn cây xanh tốt để cảm nhận không khí thôn quê yên bình. Ông Đại là người sinh ra và phần lớn cuộc đời sống ở Đông Ngạc. Hàng chục năm nay, ông dày công tìm tòi, nghiên cứu về sử làng từ những tài liệu, gia phả, thư tịch cổ. Ông kể rằng, làng Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ. Từ xưa, làng nổi tiếng trong câu ca của người dân đất kinh kỳ: “Đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ”. Theo các thư tịch còn lưu giữ được đến nay, vào cuối đời Trần (thế kỷ 14), lần lượt các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Phan… từ các đất Ái Châu, Hoan Châu ra định cư ở làng, có công mở mang rất lớn.

Cũng từ những ngày đầu dựng nhà, lập làng, đã có cụ Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh (tương đương với Tiến sĩ), đời nhà Trần; sau đó lại đỗ khoa Minh Kinh vào năm Kỷ Dậu (1429), đời nhà Lê. Từ đó đến hết triều Nguyễn, làng Đông Ngạc đã có 21 tiến sĩ văn và một tiến sĩ võ. Các dòng họ trong làng Đông Ngạc đều có người đỗ đại khoa. Nổi bật là gia đình Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ có ba đời nối tiếp nhau đỗ Tiến sĩ và một Phó bảng; gia đình Bảng nhãn Phạm Quang Trạch có tới bảy người đỗ đại khoa. Cũng bởi có nhiều người đỗ đạt cho nên làng Đông Ngạc đã trở thành làng khoa bảng nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long. Từ thời phong kiến, làng được xã hội suy tôn là làng văn hiến. Đến nay, truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao và nhiều người có công lao, đóng góp cho đất nước vẫn được duy trì và phát triển tại đây. Sĩ phu yêu nước Hoàng Tăng Bí (1883-1939); Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Văn hóa; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cũng xuất thân từ ngôi làng này.

Theo ông Phạm Quang Đại, Đông Ngạc từng được triều đình phong kiến ban tặng bốn chữ “Mỹ tục khả phong”. Đây là danh hiệu cao quý vốn được ban cho các làng có nhiều đóng góp cho xã tắc. Dẫn chúng tôi vào nhà thờ họ Đỗ, được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 18, ông Đại cho biết, đây là nơi thờ cụ Đỗ Thế Giai (1709-1766), một trong những người có công làm rạng danh làng Đông Ngạc. Từ thời Vua Lê Cảnh Hưng, cụ Đỗ Thế Giai làm đến chức quan đầu triều, nổi tiếng là người chính trực, ngay thẳng. Cụ đã được Vua ban bốn chữ “Thiết Thạch Tinh Trung” để khen ngợi người có tấm lòng trung sắt đá. Cụ Đỗ Thế Giai cũng là người duy nhất thời Lê được phong Vương khi còn sống (Đỗ Đại Vương). Khi mất, cụ được phong là Thượng đẳng phúc thần vì có nhiều công lao với đất nước.

* Ông Phạm Quang Đại, người dày công nghiên cứu, sưu tập về sử làng Đông Ngạc. Ảnh: HÒA KHÁNH

* Ông Phạm Quang Đại, người dày công nghiên cứu, sưu tập về sử làng Đông Ngạc. Ảnh: HÒA KHÁNH

Ông Đỗ Quốc Hiến, người trông coi nhà thờ họ Đỗ cho biết, trải qua hàng trăm năm, nhà thờ vẫn được giữ gần như nguyên vẹn và không hề bị tàn phá bởi bom đạn, chiến tranh loạn lạc. Nhà thờ họ Đỗ được xây dựng với lối kiến trúc hình chữ nhị, được làm theo kiểu năm gian, hai dĩ, lợp ngói âm dương truyền thống. Trải qua ba thế kỷ, dòng họ Đỗ vẫn lưu giữ được các hoành phi, câu đối, các hương án, giường thờ, bộ kiệu, vật dụng tế lễ ngày xưa... Độc đáo nhất trong nhà thờ là đôi hạc đứng trên mình rùa cao hơn hai mét và đôi tượng Phỗng trước ban thờ cụ Đỗ Đại Vương bằng các loại gỗ quý. Hai tấm bia đá niên đại 1771 khắc ghi công trạng và đức độ của cụ tổ Đỗ Thế Giai và đưa ra các quy định về việc cúng bái…

Gìn giữ và phát triển

Về Đông Ngạc hôm nay có thể thấy sự phát triển rõ nét của một làng quê thời hiện đại. Những mái nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, chợ búa ngày càng sầm uất, len lỏi, xen kẽ giữa những nếp nhà xưa. Rất may, sự lột xác của làng quê đã không làm mất đi nhiều những nét đẹp của các công trình kiến trúc cổ. Hiện nay, nhiều đình, chùa, nhà cổ và nhà thờ của những dòng họ nổi tiếng nơi đây dù có nơi trải qua các quá trình trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm. Công trình nổi tiếng nhất ở đây là đình Đông Ngạc, hay còn gọi là đình Vẽ, được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm, với quy mô to lớn cùng nhiều hạng mục kiến trúc cổ kính. Tiền thân của đình là ngôi miếu cổ dựng từ thời nhà Đường sang đô hộ nước ta và đã được trùng tu nhiều lần qua nhiều thế kỷ. Đình là nơi thờ ba vị thần tượng trưng cho “thiên, địa, nhân” và thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung, người làng có công trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời nhà Lê và những tấm bia ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu lớn.

Để có được những công trình nghiên cứu đồ sộ về làng Đông Ngạc, không thể không nhắc đến ông Phạm Quang Đại. Chính vì muốn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của làng, từ khi về hưu, có thời gian rảnh rỗi, ông Đại lại tìm đến các viện nghiên cứu Hán Nôm cũng như nghiên cứu các cuốn gia phả, sắc phong của các dòng họ, thần tích của các đình. Ông Đại cho biết, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu của ông gặp nhiều thuận lợi bởi ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Hán học và giáo học. Ông là cháu nội cụ Phạm Quang Sáng, người biên soạn cuốn “Ấu học phổ thông thuyết ước”. Ông ngoại của ông Đại cũng là một cử nhân Hán học. Thông thạo chữ Hán cho nên ông Đại có thể nghiên cứu sâu về các tài liệu cổ. Ông Đại chia sẻ: “Nếu không nghiên cứu sâu về sử làng, làm sao có thể giúp các thế hệ mai sau biết được truyền thống hiếu học và những bản sắc văn hóa vốn có từ lâu đời của làng. Đây cũng là cách để gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa của ngôi làng cổ có tuổi đời hàng trăm năm”.

Ông Đỗ Quốc Hiến, người trông coi nhà thờ họ Đỗ, cũng là người đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử dòng họ Đỗ và các sử liệu về làng Đông Ngạc. Ông cho biết, không ít du khách, trong đó có khách nước ngoài đã đến tham quan, tìm hiểu về ngôi nhà thờ có tuổi đời hàng trăm năm của dòng họ ông và tỏ ra rất thích thú. Điều đó cũng chứng tỏ du khách thập phương rất quan tâm đến lịch sử và những giá trị cổ xưa. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ nhà thờ cũng như các hiện vật còn lưu giữ được là rất quan trọng, nhất là sau này địa phương phát triển về du lịch, sẽ có rất nhiều người đến tham quan. Hiện tại, có một người con của họ Đỗ, là một doanh nhân thành đạt đã ủng hộ dòng họ số tiền lớn để trùng tu, cải tạo lại những chỗ đã bị hư hại theo thời gian của nhà thờ. “Chúng tôi xác định việc trùng tu sẽ phải làm thế nào để không mất đi tính chất cổ xưa của nhà thờ. Rất may, việc trùng tu sẽ được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), vì thế có thể bảo đảm được cả sự chắc chắn về lâu dài cũng như gìn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa của nhà thờ”, ông Hiến chia sẻ.

Nói về hướng gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của làng Đông Ngạc, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc, Tạ Hoàng Hà cho biết, hiện nay, trong làng còn lưu giữ được 18 ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm. Với sự yên bình của một ngôi làng nằm ngay nội thành cùng những giá trị văn hóa, lịch sử vốn có, Đông Ngạc có thể phát triển về du lịch, trở thành điểm đến cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử hoặc tham quan những không gian cổ kính của một ngôi làng cổ, khám phá những nếp nhà với kiến trúc truyền thống… Hiện, phường cũng đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng điểm du lịch tại phường Đông Ngạc.

“Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng, vì gần với trung tâm TP Hà Nội cho nên làng Đông Ngạc không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trước tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh như hiện nay. Tại làng, nhiều ngôi nhà cổ đã phải nhường chỗ cho những công trình kiến trúc hiện đại. Vì thế, chính quyền địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, giữ gìn những ngôi nhà có niên đại cao. Định hướng phát triển du lịch cũng nằm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án bảo tồn di sản và xây dựng điểm du lịch tại phường Đông Ngạc còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, phường rất cần sự quan tâm sát sao của các cấp, ngành cùng sự chung tay của nhân dân để sớm đưa Đông Ngạc trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nay mai”, ông Tạ Hoàng Hà chia sẻ.

HOÀNG LAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/du-lich/hanh-trinh-kham-pha/item/44402002-du-lich-kham-pha-lich-su-van-hoa-lang-co-dong-ngac.html