Du lịch Khánh Hòa đột phá để phát triển bền vững
Khánh Hòa sở hữu nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, với đường bờ biển rất đẹp, dài khoảng 385km và khoảng 200 đảo lớn, nhỏ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, truyền thống văn hóa lâu đời. Ngành du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Khánh Hòa đã có những chính sách, chiến lược, giải pháp mạnh mẽ, đột phá và phù hợp theo từng giai đoạn. Nhờ đó, địa phương này phục hồi các hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Khánh Hòa sở hữu nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, truyền thống văn hóa lâu đời với những lễ hội, phong tục tập quán độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Đặc biệt, đường bờ biển của Khánh Hòa rất đẹp với độ dài khoảng 385km, và khoảng 200 đảo lớn, nhỏ cùng nhiều vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Trong những năm gần đây, ngành du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Bước vào giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu ngành du lịch Khánh Hòa tăng trưởng liên tục, năm 2019 đạt đỉnh với hơn 27.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2016. Tổng số lượt khách lưu trú du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,9 triệu lượt với tổng số khách quốc tế đạt 10 triệu lượt.
Năm 2019, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP tỉnh Khánh Hòa khoảng 12,29%.
Hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng được đầu tư phát triển mạnh theo xu hướng có chiều sâu, chất lượng và quy mô lớn.
Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.169 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 55.500 phòng, trong đó có 107 cơ sở lưu trú được công nhận 3-5 sao, với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như InterContinental, Sheraton, Novotel, Six Senses, Radisson Blu, Movenpick, Fusion, Noa Selectum, The Anam, Alma,...
Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng rất sôi động với 138 doanh nghiệp, trong đó có 118 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, với hơn 380 tuyến xe cố định, 1.300 xe hợp đồng các loại và hơn 700 phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, những khu vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao, du lịch lặn biển, du lịch khám phá văn hóa địa phương, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, ẩm thực… cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đổi mới theo xu hướng ngày càng đa dạng và chất lượng cao hơn.
Tuy phải chịu nhiều tác động bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, tình hình bất ổn về chính trị trên thế giới, nhưng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, ngành du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ đầy ấn tượng.
Khánh Hòa đã là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và thương hiệu đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước và trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, luôn bị tác động bởi nhiều yếu tố, như nhu cầu đời sống của người dân, tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tình hình chính trị hay kinh tế…, phát triển du lịch bền vững được đặt ra như một nhu cầu cần thiết để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
“Để đạt được những mục tiêu đã đề ra cho ngành du lịch Khánh Hòa cũng như hướng tới phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng. Với mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến Khánh Hòa như Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Mở rộng thu hút khách từ một số thị trường gần nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Đài Loan, một số nước Tây Âu...
Đồng thời, từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp”, bà Thanh nói.
Ngành du lịch Khánh Hòa cũng chú trọng việc truyền thông, xúc tiến quảng bá, kích cầu để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế. Trong đó, tập trung chính là truyền thông về điểm đến Nha Trang – Khánh Hòa an toàn, chất lượng, hấp dẫn và thân thiện. Lấy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo làm trọng tâm, kết hợp với du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp làm mới các điểm đến, sản phẩm cũ, bổ sung dịch vụ gia tăng để thu hút du khách chi tiêu và quay trở lại. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở các địa phương như Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh... Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản lịch sử văn hóa nghệ thuật, bảo vệ môi trường.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, ngành du lịch Khánh Hòa phải liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận, nhất là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và các địa bàn trọng điểm du lịch thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch của vùng.
“Việc triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu và duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, tính độc đáo, mang tính đặc thù du lịch biển đảo Khánh Hòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng lượng khách du lịch ngay trong năm 2023 và tiếp tục phát triển vào những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ phối hợp với các hãng hàng không xây dựng chương trình hợp tác để thiết lập một số đường bay mới, kết nối Khánh Hòa với các điểm du lịch trên thế giới nhằm mở rộng mạng lưới giao thông, kết nối du lịch”, bà Thanh nhấn mạnh.
Cùng với việc chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch tại địa phương, tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ban ngành một số nội dung. Trong đó có xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giúp tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy nhanh đầu tư phát triển các dự án tại các khu du lịch trọng điểm.
Xem xét có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Cảng du lịch Nha Trang. Xem xét việc miễn VISA cho khách Nga từ 15 ngày lên 30 ngày đối với các nhóm khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nhóm khách theo tour đặc biệt…
Với những giải pháp mạnh mẽ, đột phá cùng sự quyết tâm, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ để tiếp tục có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, đạt được những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025. Khánh Hòa sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Trong đó Nha Trang trở thành đô thị du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển được đầu tư phát triển hiện đại về du lịch, tạo sự phát triển lan tỏa cả tỉnh và khu vực.
Văn Trần Tiến Phát,