Du lịch Lai Châu hướng tới mở cửa an toàn, thân thiện và hấp dẫn
Sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành, ngành du lịch Lai Châu đã có nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với du khách. Nhờ thực hiện các chính sách thông thoáng, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đã hoạt động trở lại và được đông đảo du khách tìm đến.
Cổng trời Ô Quy Hồ và Cầu kính Rồng Mây tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường là hai khu du lịch nổi tiếng của Lai Châu nằm ở cửa ngõ của tỉnh, tiếp giáp với khu du lịch Sa Pa (Lào Cai). Sau một thời gian dài vắng khách bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian này các điểm đến đã nhộn nhịp trở lại với nhiều hoạt động.
Chị Trần Diệp Anh, du khách đến từ tỉnh Nam Định có mặt tại khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ cho biết: "Sau nhiều ngày ở nhà, gia đình muốn tìm đến không gian thiên nhiên để nghỉ ngơi nên chọn điểm đến đầu tiên là khu du lịch Ô Quy Hồ. Được đứng trên một trong 'tứ đại đỉnh đèo' đẹp nhất của cả nước, khám phá không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc là một trải nghiệm thú vị. Đến đây ai cũng có chung cảm giác rất thoải mái và thích thú".
Đến với khu du lịch Cầu kính Rồng Mây và Cổng trời Ô Quy Hồ những ngày này, du khách còn hòa mình với thiên nhiên, tham quan khu cổng trời, sân mây, vườn địa đàng, Ô Quy Hồ tự, đi thang máy xuyên lòng núi, khám phá cây cầu kính cao nhất Việt Nam. Cùng với đó du khách sẽ được trải nghiệm hàng loạt các trò chơi mạo hiểm trên những vách đá cheo leo, ở độ cao trên 2.200m so với mặt nước biển.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ quản lý khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ cho biết nơi đây có không gian rộng lớn hơn 50ha, với đội ngũ nhân viên hướng dẫn chuyên nghiệp nên sẽ là điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách. Lượng khách tham quan đến với Cổng trời Ô Quy Hồ trong 2 tháng đầu năm nay đông gấp nhiều lần so với năm 2021. Đặc biệt là đợt rét vừa qua, khi khu du lịch có băng giá, lượng khách tăng đột biến và có ngày đơn vị bán ra tới hơn 5.000 vé. Đây là những tín hiệu vui với đơn vị cũng như các khu, điểm du lịch của địa phương trong năm 2022.
"Kể từ cuối năm 2021 đến nay thì tâm lý của khách du lịch đã không còn e ngại vấn đề đi xa, không e ngại đám đông và rất phấn khởi khi được Nhà nước mở cửa, tạo điều kiện để di chuyển. Từ cuối năm 2021 đến nay thì lượng khách đến với khu du lịch chúng tôi tăng rất nhiều. Trung bình một ngày vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ là khoảng 1.500 đến 1.600 khách; còn những ngày thường là khoảng 500 - 600 khách một ngày" - ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, lượng khách du lịch đến địa phương trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt trên 100.000 lượt người, với doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài lượng du khách tự do, thời gian qua các khu du lịch trải nghiệm, khám phá phong cảnh có yếu tố mạo hiểm, các điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại các bản làng cũng đang thu hút một lượng lớn khách theo các tour, tuyến.
Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết "Lai Châu - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh" là thông điệp ngành du lịch địa phương muốn gửi đến du khách trong và ngoài nước năm 2022. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành đến tham quan, trải nghiệm và hiện nay các tour du lịch đến với Lai Châu ngày càng nhiều.
"Trong năm 2022, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành lên khảo sát, thiết lập các sản phẩm du lịch mới mà Lai Châu có lợi thế. Ví dụ như tour du lịch chinh phục các đỉnh núi cao của Lai Châu, du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch nông nghiệp gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế quay trở lại tỉnh" - ông Trần Quang Kháng nói.
Du lịch Lai Châu đang khởi sắc khi lượng khách trong nước và quốc tế đến với địa phương ngày một đông. Đây là kết quả của chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM thời gian qua. Các khu, điểm du lịch đều hướng đến thị trường an toàn, thân thiện và hấp dẫn; tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn./.