Du lịch làng cổ ven đô, nét xưa còn đó
Nằm ở ngoại thành Hà Nội, các làng cổ như Đường Lâm, Cự Đà, Bát Tràng được biết tới bởi bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc. Những yếu tố này chính là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến những làng cổ ven đô này.
Làng cổ Đường Lâm được bao bọc bởi các ruộng lúa và ao hồ, cách Hà Nội 50km về phía Tây và nằm trên vùng gò đồi phía Tây thị xã Sơn Tây. Từ xa xưa, nơi đây thuộc lưu vực sông Hồng, nơi có nghề trồng lúa nước rất phát triển và đến hôm nay Đường Lâm vẫn được coi là một làng nông nghiệp tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. Dưới tác động của đô thị hóa, mặc dù có nhiều sự thay đổi, nhưng nơi đây vẫn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống.
Người dân Đường Lâm sống trong những ngôi nhà cổ có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII. Nhà ở Đường Lâm thường gồm ngôi nhà chính, ở giữa và nhà ngang hai bên. Ngôi nhà chính có 4 cột chính ở giữa và các cột phụ, chia ngôi nhà thành 3 gian. Phần hiên nhìn ra vườn thường mở nhiều cửa. Giữa nhà chính là ban thờ, hai bên là khu sinh hoạt. Bố mẹ thường ở nhà chính, con cái ở nhà ngang. Ngoài ra, nhà ngang còn được sử dụng như kho chứa hay nơi sản xuất.
Ba phía của ngôi nhà là tường gạch đá ong. Một phần các bức tường đá ong này bao ngăn khuôn viên nhà với đường làng và các ngôi nhà bên cạnh. Cổng được quét vôi, có trường hợp lợp mái ngói, cánh cổng bằng gỗ hẹp. Những bức tường đá ong của ngôi nhà, tường bao và cổng chạy dọc hai bên đường làng đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng lạ của làng cổ Đường Lâm.
Khuôn viên các ngôi nhà trong làng Đường Lâm có không gian khép kín, được bao bọc bởi các gian nhà và hàng rào. Giữa khuôn viên nhà là vườn. Nhà chính nhìn ra vườn và không mở trực tiếp ra đường. Một bên vườn thường là giếng nước. Khuôn viên nhà thường có hình chữ nhật, cổng mở thẳng trước cửa nhà chính hoặc mở bên ngách.
Sự hấp dẫn của làng cổ Đường Lâm nằm ở hệ thống di tích dày đặc, có giá trị (các di tích nổi tiếng như đình Mông Phụ, chùa Mía, đình Cam Lâm, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh...) và đặc biệt là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Hệ thống di tích, nhà cổ, đường làng, cổng cổ… vẫn giữ được chỉnh thể của một ngôi làng truyền thống Bắc Bộ, khiến Đường Lâm giống như một “bảo tàng sống”.
Nếu như làng cổ Đường Lâm nổi tiếng nhờ kiến trúc nhà kiểu nông thôn “ba gian hai chái” bằng vật liệu đá ong của vùng cận trung du, thì Cự Đà mang phong cách làng nghề ven đô, ven sông, điển hình theo kiến trúc kiểu nhà cổ truyền pha trộn kiến trúc Pháp cổ.
Vào đầu thế kỷ 19, Cự Đà được biết đến là “làng doanh nhân” với hàng trăm ngôi nhà cổ. Từ những năm đầu thế kỷ 19, nhiều người ra Hà Nội buôn bán, làm ăn phát đạt, có điều kiện xây nhà đẹp. Nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố.
Hầu hết là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian với mái ngói âm dương, sân gạch vuông Bát Tràng, chuối sau cau trước, chum tương bể nước... Trong nhà có hoành phi, cửa võng, câu đối khắc ghi những lời hay ý đẹp như nhắc nhở, truyền dạy của ông bà tổ tiên với con cháu. Sau đó, các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát, là chủ những xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn của Hà Nội giai đoạn 1920 – 1940 đã thổi hồn kiến trúc Pháp vào ngôi làng này. Nhiều ngôi nhà 2 tầng, có ban công, được đánh số, mang phong cách phương Tây nhưng lại có mái hiên cong vút như mái đình.
Họa sĩ Lê Thiết Cương từng nhận xét: Làng cổ Cự Đà là một mẫu hình đẹp của sự pha trộn hài hòa, nhuần nhuyễn nét đẹp của kiến trúc Pháp – Châu Âu với kiến trúc Việt Nam – Á Đông. Chính sự pha trộn này nên những ngôi nhà kiểu Đông Dương mà khi về làng, ở cạnh kiểu nhà Bắc Bộ truyền thống thì vẫn hòa hợp, vẫn duyên, vẫn đẹp.
Từ lâu, tương của làng Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: “Tương Cự Đà - cà làng Đám”. Làm tương là nghề cổ nhất của làng và đến nay nhiều gia đình vẫn coi đây như một cái nghiệp không thể bỏ. Người dân Cự Đà làm tương từ các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ tương, nước mưa và muối trắng.
Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông – nam. Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng hơn 500 năm nay. Làng gốm Bát Tràng có truyền thống rất lâu đời về sản xuất gốm bằng phương pháp và kỹ thuật sản xuất thủ công.
Những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo có nhiều kinh nghiệm, sẽ biến những mảng đất sét thành những sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng và mang nhiều ý nghĩa. Những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được tạo ra trên bàn xoay được truyền lại từ đời này sang đời khác, với những bí quyết gia truyền tạo nên những sản phẩm bền, đẹp, độc đáo.
Đến Bát Tràng, du khách không chỉ được tìm hiểu về văn hóa làng nghề mà còn được trải nghiệm các quy trình sản xuất, thưởng thức ẩm thực truyền thống và có thể lưu trú tại những ngôi nhà cổ. Để phát triển du lịch cũng như quảng cáo nghề gốm có nhiều gia đình đã mở dịch vụ này phục vụ du khách.
Những ngôi làng cổ này là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam. Đây là chốn dừng chân thích hợp nhất khi muốn trốn khỏi sự náo nhiệt của đô thị.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-lich-lang-co-ven-do-net-xua-con-do-101577.html