Du lịch 'lột xác' và câu chuyện từ xứ Thanh

Trong 5 ngày kỳ nghỉ lễ, Thanh Hóa là địa phương đón lượng khách đông nhất trên cả nước với trên 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

Thanh Hóa vẫn được ví như một "Việt Nam thu nhỏ". Đây là địa phương có đa dạng các sản phẩm du lịch biển, các bãi tắm nổi tiếng gồm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có Pù Luông, Bến En; du lịch văn hóa tâm linh địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn...

Sở hữu "kho báu" du lịch dồi dào từ núi tới biển, từng là địa phương làm du lịch sớm nhất cả nước, nhưng hơn một thập kỷ trước, Thanh Hóa là điểm du lịch để lại ấn tượng xấu trong lòng du khách vì dính tai tiếng "chặt chém" .

Du khách tại biển Sầm Sơn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (Ảnh: Thanh Tùng)

Trong ký ức của nhiều người, nhắc đến Thanh Hóa là nghĩ ngay đến Sầm Sơn - một bãi biển chen chúc người, cứ đi một quãng lại thấy những nhà hàng lụp xụp và những gánh hàng rong mời mọc du khách dọc bờ biển. Suốt một thời gian dài, Sầm Sơn được gắn với nạn chèo kéo, ăn xin, buôn bán tràn lan, thiếu quy hoạch… làm du khách sợ hãi. Chính những điều đó khiến lượng khách du lịch ngày càng giảm đi.

Nhưng nay, câu chuyện đó đang lui dần về quá khứ. Đến với Sầm Sơn năm nay, có thể cảm nhận rõ rệt về sự thay đổi trong cung cách làm du lịch của chính quyền và người dân nơi đây. Để quản lý được chặt chẽ và thực sự hiệu quả, TP. Sầm Sơn đã thiết lập đường dây nóng do đích thân Chủ tịch UBND trả lời, ngoài ra còn niêm yết số điện thoại của các đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường…

TP. Sầm Sơn tích cực tuyên truyền cho người dân về chủ trương phát triển du lịch bền vững, thay đổi tư duy "ăn xổi", làm cho họ hiểu rằng chuyện ép giá một quả dừa, hai bữa ăn... không đem lại hiệu quả lâu dài. Ngược lại, nếu ứng xử thân thiện, người dân có thể kiếm tiền từ du khách hơn gấp nhiều lần.

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, TP. Sầm Sơn đã đón 905.000 lượt khách, nhưng không có một thông tin phản ánh nào về việc chặt chém, ép khách. Cùng với đó, ở Sầm Sơn hiện nay du khách có nhiều hoạt động hơn, ngoài tắm biển là tham gia các trò chơi ở công viên nước "khổng lồ"; là tham gia các hoạt động thể thao bãi biển, lễ hội đường phố…

Tận dụng thêm lợi thế cộng hưởng từ những mảnh ghép du lịch đa sắc màu của xứ Thanh, Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã trở thành điểm đến luôn nằm trong top "hot" nhất khu vực Bắc Trung bộ.

Du khách chen chân xem pháo hoa tại đêm khai mạc du lịch Sầm Sơn (Ảnh: UBND TP. Sầm Sơn)

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, Thanh Hóa là địa phương đón đông khách nhất trong cả nước với trên 1,5 triệu lượt - con số kỷ lục, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.

Lượng khách đến Thanh Hóa gấp gần ba lần của Hà Tĩnh và gần bằng tổng của cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh gộp lại. Tổng doanh thu du lịch của địa phương dịp lễ đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với 2023.

Những con số "biết nói" đã minh chứng cho sự "lột xác" ngoạn mục của ngành du lịch xứ Thanh.

Phải khẳng định một điều rằng, sự vượt trội về lượng khách đến với Thanh Hóa là do các địa phương, các khu điểm du lịch, các đơn vị đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa vào nhiều các loại hình, dịch vụ du lịch mới.

Với chiến lược đầu tư đồng bộ của tỉnh và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch.

Tỉnh cũng đẩy mạnh tối đa các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước.

Bên cạnh đó, sự đóng góp cho kỳ nghỉ đông khách này một phần là nhờ đường bộ. Giá vé máy bay cao, người dân chọn đi xe đến các điểm du lịch bán kính dưới 300 km.

Thử làm phép tính đơn giản, nếu như đến một số điểm du lịch khác như TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang... với chi phí 10 triệu đồng/người có thể mới đủ tiền vé máy bay và chi phí di chuyển. Trong khi đó, Thanh Hóa sở hữu nhiều bãi biển đẹp, cộng thêm việc đa dạng sản phẩm du lịch, với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng/người, du khách đã có rất nhiều lựa chọn dịch vụ 3 - 5 sao tại Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn hoặc bất kỳ khu, điểm du lịch nào trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, các cao tốc kết nối tốt đã rút ngắn thời gian đi lại, thuận tiện và an toàn hơn. Sau khi 2 tuyến cao tốc Bắc Nam qua Thanh Hóa hoàn thành, nhiều điểm du lịch ở Thanh Hóa trở thành điểm đến cuối tuần cho người Hà Nội khi chỉ mất hơn 2,5 giờ lái xe. Từ thực tế này để thấy rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Khách tham quan Vườn quốc gia Bến En

Trước thời cơ mới, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Mục tiêu này Thanh Hóa hoàn toàn có cơ hội hoàn thành khi hạ tầng giao thông đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, kết nối đồng bộ, thuận lợi với hạ tầng du lịch.

Từ chỗ coi du lịch là hoạt động nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần, đến nay du lịch được xác định là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Du lịch phát triển đã làm thay đổi diện mạo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân nơi đây...

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-lich-lot-xac-va-cau-chuyen-tu-xu-thanh-318407.html