Du lịch miền Tây rục rịch mở cửa trong tình hình mới
(SGTT) – Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch tại miền Tây đang kết hợp quảng bá hình ảnh với nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì, phát triển bền vững trong tình hình mới.
Những ngày này, các điểm, khu du lịch ở miền Tây đã dần mở cửa đón khách tham quan chào năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tại tỉnh Vĩnh Long, dịch vụ du lịch sông nước như đi thuyền trên sông Tiền ngắm các nhà bè nuôi cá trên sông, hay các điểm tham quan du lịch đã có nhiều hoạt động đón khách trở lại.
Trả lời trên báo Cần Thơ, bà Nguyễn Ngọc Giác, chủ nhà dừa độc đáo ở cù lao thuộc xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, cho hay do mới hoạt động trở lại nên lượng khách đến tham quan không nhiều, mỗi ngày chỉ đón vài đoàn với khoảng 20-30 khách.
“Ðể đảm bảo an toàn cho du khách cũng như tại điểm du lịch, đơn vị tuân thủ các quy định của ngành chức năng về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng doanh nghiệp cố gắng thích ứng, vượt khó để duy trì, phát triển du lịch tại địa phương”, bà Giác chia sẻ.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Ðốc (An Giang), đã ký công văn chính thức mở cửa khu Du lịch quốc gia Núi Sam trong trạng thái bình thường mới từ ngày 1-1-2022. Trước khi mở cửa trở lại, cơ quan chức năng đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị vật tư y tế và phương án đảm bảo y tế đối với khách du lịch khi đến thành phố, đồng thời, chuẩn bị các cơ sở cách ly và điều trị khi có khách nhiễm Covid-19.
Tương tự, khu Du lịch Mỹ Luông, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới (An Giang) cũng đã mở cửa đón khách trở lại sau nhiều tháng tạm dừng hoạt động. Ông Phan Văn Khánh, Giám đốc khu Du lịch Mỹ Luông, cho biết trung bình mỗi ngày, khu du lịch đón khoảng 50-100 khách. Lượng khách đến vui chơi, khám phá, chụp ảnh và ăn uống đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt vào các ngày cuối tuần.
Song song với việc mở cửa trở lại đón khách, các khu du lịch cũng rất tích cực đổi mới để thích ứng với tình hình hiện nay. Theo báo Giao Thông, tại khu Du lịch sinh thái Cồn Sơn ở quận Bình Thủy (Cần Thơ), công tác chỉnh trang vườn tược, cảnh quan cũng như kiện toàn sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó” đã được hoàn thành. Đây là chuỗi hoạt động trải nghiệm tìm về không gian ký ức xưa, được xây dựng theo tiêu chí 3N (nghe, ngắm và nếm).
Cụ thể, đó là nghe người dân nói về cách nuôi và gìn giữ các loại cá quý hiếm, trồng và gìn giữ những giống cây bản địa; ngắm cảnh miệt vườn với vườn cây trĩu quả, những vườn hoa rực sắc và nếm những sản phẩm ẩm thực từ trái cây, những món ăn xưa của người dân Cồn Sơn.
Ở khu Du lịch Mỹ Luông, để thích ứng trạng thái bình thường mới, cũng như đảm bảo an toàn cho khách tham quan và nhân viên khu du lịch, đơn vị có bố trí hai máy khử khuẩn, đo thân nhiệt phòng Covid-19 đặt trước cổng. Khi ra vào khu du lịch, mọi người sẽ được khử khuẩn toàn thân.
Với tiêu chí thân thiện, khách đến với khu Du lịch Mỹ Luông sẽ luôn có cảm giác như đang về với gia đình mình. Công trình khu du lịch rộng hơn 2ha được bố trí nhiều hạng mục phục vụ du khách, đặc biệt là khu trưng bày hàng trăm xe máy biển số đẹp cùng khu nghệ thuật gỗ lũa để du khách tham quan thưởng lãm.
Không chỉ tích cực đổi mới, quá trình liên kết giữa các địa phương cũng được chú trọng. Sắp tới, một số tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ kết nối để hình thành tuyến du lịch đặc trưng trong vùng; tổ chức các đoàn famtrip đến khảo sát các điểm du lịch mới, tiêu biểu; phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết, kích cầu phục hồi du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết trong năm 2022, Cụm phía Tây của ĐBSCL dự kiến tổ chức một số hoạt động, như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội Ðờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, Lễ khánh thành Ðền Hùng, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Cantho (Cần Thơ); Lễ hội Ok-Om-Bok – Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ 5 khu vực ÐBSCL…
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho rằng những chồng chéo trong quy định về việc đi lại và giao thông trong thời gian qua đã làm cho du khách e ngại. Có những nơi mở cửa nhưng lại không có nguồn khách. Do đó, việc liên kết giữa các địa phương nên đi vào chiều sâu để hỗ trợ nhau xây dựng sản phẩm mới, riêng biệt và hình thành chuỗi sản phẩm mang tính đặc trưng.
Đinh Nam tổng hợp