Du lịch miền Trung: 'Bùng nổ' tour giá rẻ, khách vẫn dè chừng
Ngành du lịch đang nỗ lực tìm hướng khôi phục. Đến bao giờ du lịch Việt Nam phục hồi, lối đi nào để du lịch phục hồi?
Ngành du lịch Việt Nam đã từng trải qua các đợt khủng hoảng do ảnh hưởng dịch Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SASR) cách đây 20 năm, tiếp đó là đợt khủng hoảng về tài chính thế giới năm 2008. Thế nhưng, chưa bao giờ ngành du lịch lại gặp phải cú sốc mạnh, tồi tệ kéo dài như hiện nay vì đại dịch Covid-19. Theo Tổng Cục Du lịch, 5 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm một nửa, khách nội địa giảm gần 60%, tổng thu ngành du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, thất thu gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Nước ta cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến ngành du lịch vẫn chưa dừng lại. Ngành du lịch đang nỗ lực tìm hướng khôi phục. Đến bao giờ du lịch Việt Nam phục hồi, lối đi nào để du lịch phục hồi?
Sở hữu 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, khu du lịch Bà Nà cùng nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng…, Đà Nẵng là thương hiệu hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch thế giới. Khi dịch Covid-19 khởi phát, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng. Đầu năm mới 2020, thông tin một vị khách ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đến Đà Nẵng bị nhiễm Covid-19 lan truyền khiến người dân hoang mang, lo lắng. Đúng vào ngày 30 Tết năm Kỷ Hợi, chuẩn bị bước sang năm Canh Tý, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng triệu tập cuộc họp khẩn cấp ứng phó với dịch. Từ đây, ngành du lịch bắt đầu chao đảo, nhiều tour du Xuân đầu năm đến Đà Nẵng bị hủy, hoãn, bỏ giữa chừng.
Những chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng và đi các nước lần lượt ngừng bay.Hoạt động du lịch thành phố bị tê liệt. Lễ hội Pháo hoa quốc tế, sản phẩm du lịch độc đáo, thương hiệu riêng có từng làm sôi động mùa hè Đà Nẵng đã phải hủy bỏ vì dịch bệnh. Suốt nhiều tháng qua, nhà hàng, khách sạn lần lượt đóng cửa; các khu, điểm du lịch đìu hiu vì dịch bệnh, đứng bên bờ phá sản, hàng nghìn lao động mất việc làm.
Thống kê, ước thiệt hại của ngành du lịch Đà Nẵng trong 6 tháng 5.700 tỷ đồng, dự báo tổng thiệt hại cả năm khoảng hơn 6.800 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Khách sạn Vi An,quận Sơn Trà, Đà Nẵng than vãn, hầu hết khách sạn điêu đứng, nguy cơ phá sản vì dịch bệnh kéo dài:
“Tất cả các khách sạn, các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch hầu như khủng hoảng rất lớn về tài chính. Trong 3 tháng nghỉ dịch nhưvậy hầu như không có doanh thu, đóng cửa”.
Sau nhiều tháng rơi vào tình trạng “đóng băng”, cuối tháng 4 vừa qua, hoạt động du lịch cả nước mở cửa trở lại khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19. Đà Nẵng lại là địa phương đầu tiên chủ động công bố gói kích cầu du lịch. Với chủ đề “Đà Nẵng tri ân-Đà Nẵng Thank You”, các đơn vị kinh doanh du lịch tung ra các gói tour giảm giá sốc chưa từng có. Tour 3 ngày 2 đêm ở khách sạn 3 đến 5 sao với giá ưu đãi chỉ còn hơn một nửa so với trước. Khách được miễn phí tham quan các điểm du lịch Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật…đến cuối tháng 8.
Chương trình đã thu hút hơn 150 doanh nghiệp du lịch tham gia với nhiều hình thức khuyến mãi. Điển hình như khách sạn Minh Toàn, New Orient Hotel Đà Nẵng dành hẳn 260 phòng miễn phí cho những khách đầu tiên tham gia gói kích cầu. Khu du lịch Bà Nà Hills với chiếc cầu Vàng nức tiếng thế giới tài trợ 1.200 voucher vé cáp treo cho 1200 khách đặt mua các gói tour của chương trình đầu tiên. Ông Nguyễn Đình Vinh, du khách ở thành phố Hà Nội đã chọn Đà Nẵng là điểm trở lại sau dịch Covid-19. Ông Vinh được công ty du lịch đưa đón tận nơi, đi tham quan Bà Nà Hill miễn phí và trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất:
“Bạn bè giới thiệu hiện ở Đà Nẵng đang có chương trình kích cầu du lịch, giá theo tour là 1,9 triệu đồng. Tôi thấy giá rất hữu nghị lại được xe đưa đón, tặng vé đi thăm Bà Nà, tất cả các dịch vụ đều thấy rất tốt. Thời điểm này thời tiết mặc dù có nóng nhưng đi tấtcảdịch vụ tốt đều cảm thấy đều rất tốt.”
Nhiều tháng qua, anh Nguyễn Đắc Tâm, hướng dẫn viên của Công ty TNHH MTV SaiGon Tourist, Chi nhánh tại Đà Nẵng chuyên đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Nay khi du lịch nội địa được khôi phục, anh chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch trong nước. Dù mới trở lại dẫn được 1 vài đoàn khách nhưng anh Tâm vui mừng vì có được việc làm thêm thu nhập cho gia đình:
“Mãi mình mới lại được tiếp tục cái nghề yêu thích của mình. Sau một khoảng thời gian ở nhà không có thu nhập thì khi được quay trở lại đi làm đương nhiên dù ít dù nhiều thì cũng giúp mình trang trải được trong cuộc sống, điều này rất vui, phấn khởi. Từ bây giờ đến tháng 8, hy vọng khách đi du lịch nhiều hơn chút nữa để cho anh em hướng dẫn viên có thêm được thu nhập và quay trở lại được đường tour.”
Sau Đà Nẵng, các địa phương ở miền Trung lần lượt tung ra các đợt khuyến mãi thu hút khách nội địa. Tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8/5 đến ngày 31/7, miễn phí toàn bộ phí tham quan các điểm di tích trong thời gian diễn ra Festival Huế 2020,từ ngày 28/8 đến 2/9. Tỉnh Quảng Nam cũng tung gói kích cầu “Thank You” nhằm tri ân đội ngũ y,bác sĩ tuyến đầu chống dịch, miễn phí ăn, ở một ngày/đêm khi đi du lịch cho đến cuối năm. Du khách đến tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng được giảm 30% giá vé tổng đoàn khách 3 người trở lên, 50% đối với khách đoàn có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lạc quan cho biết,khi đã có gần 40 doanh nghiệp tham gia hưởng ứng gói kích cầu “Thank You” tri ân với hơn 200 phòng lưu trú khách sạn 3 đến 5 sao tại 2 Di sản Văn hóa Thế giới là Hội An và Mỹ Sơn:
“Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng một chương trình một kế hoạch tổng thể để phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Tới đây, chúng tôi sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất để sớm đưa ra một cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích cầu phát triển du lịch của tỉnh.”
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Vì vậy, Chương trình kích cầu nhằm tạo những gì thuận lợi nhất và hấp dẫn nhất để thu hút người dân đi du lịch. Theo ông Vũ Thế Bình, ngành du lịch rất dễ bị ảnh hưởng khi có khủng hoảng, nhưng cũng là ngành dễ phục hồi. Quan trọng là kích cầu đúng thời điểm, đảm bảo an toàn thì du lịch sẽ phát triển trở lại:
“Mong muốn nhất hiện nay là phát triển nhanh nhất để hồi phục lại sự hoạt động sôi nổi của ngành du lịch và tất cả các điểm du lịch lại có người đến, làm sống lại các hoạt động xã hội. Đây chính là động lực mà du lịch sẽ lan tỏa ra các ngành nghề kinh tế khác nữa. Vì vậy, chúng tôi tin chắc rằng, chương trình kích cầu này sẽ thành công"./.