Du lịch miền Trung phát triển thị trường du lịch Hồi giáo
Sáng 10-6, tại Đà Nẵng, diễn ra hội thảo 'Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung' với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp ngành du lịch trong nước và quốc tế.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo do Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Hội Khách sạn thành phố phối hợp Diễn đàn Trao đổi du lịch Việt Nam và ngành du lịch Malaysia tổ chức.
Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu năm 2021, thị trường du lịch Hồi giáo thế giới khá rộng lớn và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, du lịch lữ hành tăng trưởng từ 108 triệu khách năm 2013 lên đến 160 triệu khách năm 2019. Sau đại dịch Covid-19, du lịch lữ hành của người theo đạo Hồi cũng tăng trưởng trở lại mạnh mẽ, ước đạt 26 triệu khách năm 2021 và dự báo năm 2023 sẽ phục hồi 80%, đạt khoảng 140 triệu khách.
Ngay sau đại dịch Covid-19, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố tại miền Trung đã kết nối mạnh mẽ với thị trường các nước Đông Nam Á, Trung Đông, trong đó có các quốc gia có tỷ lệ người Hồi giáo cao như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ…
Các đại biểu dự hội thảo.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, với việc sớm mở lại đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng với Singapore và Malaysia, Đà Nẵng đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lượng du khách tham quan từ hai thị trường này. Trong khu vực Đông Nam Á, lượng khách từ hai quốc gia này đến Đà Nẵng chỉ đứng thứ hai, sau Thái Lan. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng kết nối được với thị trường Ấn Độ thông qua những đường bay thẳng từ New Delhi và Mumbai và sẽ mở thêm những đường bay khác trong tương lai.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, đại diện Diễn đàn Trao đổi du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đón rất nhiều du khách lữ hành quốc tế là người Hồi giáo. Tuy nhiên, thị trường này chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước. Đây là hạn chế của du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách từ các quốc gia Hồi giáo. Đồng thời, cộng đồng du lịch Hồi giáo thường không khuyến khích khách đi du lịch tại các quốc gia hay điểm đến có điều kiện cơ sở vật chất, ẩm thực, tín ngưỡng không thuận lợi, phù hợp cho quen tiêu dùng, phương thức du lịch đặc thù của họ.
Theo ông Thủy, việc định hướng phát triển thị trường quốc tế khác nhau, nhằm đa dạng thị trường, kiến tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch tham gia vào phát triển du lịch là yêu cầu cấp bách và cần thiết trong thời điểm này.
Bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch hồi giáo (Bộ Nghệ thuật, Văn hóa và Du lịch Malaysia), phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe đại diện Tổng cục Du lịch Malaysia và Bộ Nghệ thuật, Văn hóa và Du lịch Malaysia giới thiệu chung về du lịch Hồi giáo tại Malaysia và thế giới. Đại diện các đơn vị, chuyên gia du lịch cũng có những trao đổi về ẩm thực, dịch vụ, xu hướng, thói quen tiêu dùng trong du lịch của khách Hồi giáo.
Bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch hồi giáo (Bộ Nghệ thuật, Văn hóa và Du lịch Malaysia), cho rằng, ngành du lịch Đà Nẵng và các địa phương nói chung đặc biệt cần quan tâm hơn đến dịch vụ Halal (chứng nhận Halal đạt yêu cầu tiêu chuẩn về thực phẩm cho người Hồi giáo - PV), cần đầu tư khu vực cầu nguyện vì người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày. Qua đó, tạo cảm giác an toàn, gần gũi và thuận tiện cho du khách người Hồi giáo tại cơ sở lưu trú.
“Bên cạnh cảnh đẹp thì Đà Nẵng cần có sự giao thương quốc tế, quảng bá hình ảnh thân thiện với người Hồi giáo để họ có cảm giác an toàn, và cần chú trọng các món ăn đúng với tiêu chuẩn thực phẩm Halal”, bà Marina Muhamad cho biết.