Du lịch Móng Cái (Quảng Ninh), ghé thăm làng bích họa ở xã Hải Sơn
Nằm sát khi vực biên giới Việt-Trung, làng bích họa ở Hải Sơn nổi tiếng với vẻ đẹp độc đáo và yên bình nơi thiên nhiên núi non hùng vĩ của TP. Móng Cái, Quảng Ninh.
Tại xã Hải Sơn, làng dân tộc Dao nằm sát khu vực biên giới Việt - Trung từ lâu đã trở thành địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ của du khách mỗi khi đến đây. Những bức tranh tường độc đáo, nhiều màu sắc rực rỡ cùng thiên nhiên núi non hùng vĩ hòa quyện tạo thành khung cảnh bình yên, thơ mộng nơi vùng cao biên giới.
Xã Hải Sơn là địa bàn vùng cao, biên giới cách trung tâm Thành phố 33 km, có đường biên giới dài 12,06 km tiếp giáp với Trung Quốc, có vị trí trọng yếu chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Trên địa bàn có Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn; Cột mốc biên giới 1347 - một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ; là nơi giao thoa, hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc, sinh sống đoàn kết của đồng bào các dân tộc Kinh - Dao - Sán Chỉ (với 352 hộ gia đình, 1.616 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao và Sán chỉ chiếm 86,8%), thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp...
Thời gian qua, xã Hải Sơn luôn được đón nhận sự quan tâm của tỉnh và thành phố. Nhiều cơ chế chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao giúp cho Hải Sơn có nhiều bứt phá trong quá trình phát triển. Nhất là từ khi tuyến đường Quốc lộ 18C, đường kết nối Hải Sơn - Hải Tiến đi vào hoạt động, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được xếp hạng di tích Quốc gia…đã mở thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho địa phương. Đây đều là những điểm đến tiềm năng để khai thác, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
Nằm trên địa bàn xã Hải Sơn, làng dân tộc Dao xóm họ Đặng (thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái) từ lâu đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi du khách lần đầu đến với xã vùng cao này.
Những năm gần đây, TP. Móng Cái với định hướng phát triển du lịch cộng đồng đã có nhiều giải pháp, cách làm mới. Từ những ngôi nhà cũ trong xóm, đoàn viên thanh niên đã hỗ trợ vẽ và trang trí trên những bức tường cũ, rêu phong, tạo thành những bức tranh độc đáo khắc họa cuộc sống của người dân nơi đây.
Năm 2023, Đoàn thanh niên TP. Móng Cái phối hợp với UBND xã Hải Sơn, Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, VNPT Quảng Ninh, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tổ chức chỉnh trang, tô vẽ lại các bức “bích họa” tại ngôi làng này.
Đến nay đã có hơn 21 bức tranh tường với tổng diện tích là 673 m2 được trang trí. Những bức tranh này giúp cho đời sống đồng bào thêm phần sôi động vì thường xuyên được đón những đoàn khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, chụp hình lưu niệm.
Từ lâu, TP. Móng Cái đã chú trọng, quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm trên địa bàn xã Hải Sơn. Đây là một trong những nội dung cần thiết để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương, vừa thu hút du khách, kích cầu du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững của tỉnh và thành phố.
Hàng năm, TP. Móng Cái cũng như xã Hải Sơn luôn duy trì các hoạt động, lễ hội, phiên chợ vùng cao nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên để thực sự tạo được dấu ấn cũng như trở thành điểm dừng chân đặc sắc, làng dân tộc Dao - xóm họ Đặng ở Hải Sơn cần thêm nguồn lực, “đòn bẩy” mạnh mẽ. Từ đó có thể tận dụng tài nguyên cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các dịch vụ lưu trú kết hợp ẩm thực, nghỉ dưỡng tại các hộ gia đình.
Bên cạnh đó cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng và phát triển các loại hình du lịch mới; tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức hơn nữa trong giữ gìn vệ sinh môi trường và tư duy “làm du lịch” trong cộng đồng dân cư.