Du lịch Nam Định tìm hướng tháo gỡ khó khăn
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thực hiện hai nhiệm vụ
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thực hiện hai nhiệm vụ “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chung sống an toàn với dịch đang được các cấp, các ngành tìm giải pháp. Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn từ dịch bệnh cũng đang loay hoay tìm hướng ứng phó.
Nhiều con số thống kê từ các cơ quan, ban, ngành liên quan đang cho thấy hệ lụy khôn lường từ “cơn bão” COVID-19 tác động lên ngành Du lịch. Không chỉ các cơ sở lưu trú du lịch thiệt hại mà các dịch vụ vận tải, ăn uống cũng hoạt động cầm chừng, hoạt động lữ hành đình trệ. Theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành trong tháng 3 chỉ đạt 196,3 tỷ đồng, giảm 2,4% so với tháng trước. Trong đó: Doanh thu hoạt động lưu trú đạt 18,1 tỷ đồng và 61 nghìn lượt khách, cùng giảm 8,4% về doanh thu và về lượt khách so với tháng trước; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 177,5 tỷ đồng, giảm 1,6%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 0,68 tỷ đồng và 1.000 lượt khách, giảm 30,3% về doanh thu và giảm 25,4% về lượt khách so với tháng trước. Quý I năm 2020, doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành đạt 667,3 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động lưu trú đạt 63,3 tỷ đồng và đạt 213,1 nghìn lượt khách, giảm 8% về doanh thu và giảm 9,3% về lượt khách so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 600,8 tỷ đồng, giảm 5,2%; hoạt động du lịch lữ hành đạt 3,2 tỷ đồng và 4.700 lượt khách, giảm 30,2% về doanh thu và giảm 31,2% về lượt khách so với cùng kỳ năm trước.
Giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, những con số thống kê trên đã chỉ ra tình hình kinh tế du lịch của tỉnh những tháng đầu năm tương đối ảm đạm. Số người muốn đi du lịch hoặc có kế hoạch đi du lịch đều giảm mạnh. Hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) đã có kế hoạch tại các khách sạn lớn như Vỵ Hoàng, Sơn Nam… hầu hết bị hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Công suất sử dụng buồng, phòng của các cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt dưới 30%. Đặc biệt, tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ đã đặt tại các công ty lữ hành lên đến 95%. Tại Khách sạn Nam Cường, công suất sử dụng phòng sụt giảm nghiêm trọng với các mức 10%, 7%, 5% lần lượt trong các tháng 2, 3, 4. Từ đầu năm 2020 đến nay thiệt hại về doanh thu lên đến 70%; trong khi đơn vị vẫn phải duy trì các chi phí vận hành, bảo quản nguyên liệu, trả lương, bảo hiểm cho nhân viên... Để tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, lưu trú đã tính tới các phương án như: Bố trí nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm người lao động làm việc theo ca; thương lượng với người lao động để giảm lương; giảm các chi phí thường xuyên như điện, nước… Bên cạnh các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải, lữ hành chịu ảnh hưởng thiệt hại thì dịch bệnh cũng đã khiến nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch bị dừng hoặc hạn chế quy mô tổ chức. Trong đó, không ít lễ hội thường niên đầu xuân có quy mô lớn và thu hút đông đảo du khách thập phương đều phải dừng tổ chức. Điều này đã làm sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch tham quan, vãn cảnh. Các khu, điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh như khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định), quần thể Phủ Dầy (Vụ Bản) lượng khách đến dâng hương, du xuân cũng giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chương trình Khai trương mùa du lịch biển tại các khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy), Thịnh Long (Hải Hậu) cũng đứng trước nguy cơ hoãn vô thời hạn.
Trước thực trạng khó khăn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiệm vụ ưu tiên vẫn là nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của các doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực; tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng nâng cao chất lượng và giảm tối đa giá dịch vụ, từ đó tạo ra được các gói kích cầu du lịch thực sự hiệu quả. Đối với công tác quản lý Nhà nước về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, qua đó, phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không tuân thủ quy định phòng, chống dịch; cũng như vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng, chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới, du lịch bổ trợ sẽ được ngành chú trọng. Năm Du lịch quốc gia 2020 do tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” gắn với chuỗi các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội đặc sắc. Đây là cơ hội để tỉnh ta phối hợp với tỉnh bạn nhằm chung tay từng bước khôi phục ngành “công nghiệp không khói”. Từ đó, kết nối các đoàn khách từ Ninh Bình về Nam Định với điểm nhấn các tour du lịch tâm linh, tham dự lễ hội và tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các chương trình famtrip tham quan trải nghiệm để tăng cường quảng bá, giới thiệu về Nam Định - điểm đến an toàn, thân thiện./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh