Du lịch Ninh Bình cần làm gì để khai thác tốt thị trường khách quốc tế
Từ ngày 15/3, Chính phủ đã cho phép mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thị trường khách đang xáo trộn, đặc biệt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraina khiến tình hình càng khó đoán... Câu hỏi đặt ra là khách ngoại quốc sẽ đến từ đâu và du lịch Ninh Bình cần làm gì để khai thác tốt thị trường này? Xung quanh vấn đề đó, Báo Ninh Bình phỏng vấn nhanh một số doanh nghiệp và chuyên gia về du lịch.
"Cần cởi mở chính sách đón khách"
Quy định dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam đã thông thoáng hơn so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, cần tiếp tục có những chính sách mở cửa hợp lý hơn nữa. Ví dụ như gia hạn thời gian cấp thị thực cho du khách từ 15 ngày lên 30 ngày bởi thực tế với khách du lịch thông thường thì 15 ngày là đủ nhưng với những khách đi phượt, mỗi địa phương họ mất ít nhất 3-5 ngày để khám phá, do vậy cần tăng thời gian lên.
Về phía đơn vị, là đại lý F1 của tất cả các hãng bay nội địa và hơn 80 hãng hàng không quốc tế, Hưng Thịnh chủ động cung cấp các sản phẩm vé series cho các đơn vị lữ hành trong tỉnh và ngược lại cũng lấy giá phòng, land tour để cùng hỗ trợ bán chéo sản phẩm. Công ty cũng tạo các chặng bay theo sản phẩm đặc thù với địa phương theo đúng định hướng tạo sản phẩm liên kết vành đai du lịch Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Đức Thịnh
(Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Hưng Thịnh)
"Đầu tư nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp"
Trước đây, khác ngoại quốc đến Ninh Bình chủ yếu là khách châu Âu (trong đó nhiều nhất là khách Pháp), khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan chưa mở cửa biên giới. Hơn nữa, chiến sự Nga - Ukraina khiến các đường bay quốc tế bị hạn chế, giá xăng dầu tăng, đẩy giá dịch vụ tăng cao... Những điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đón khách quốc tế của Việt Nam.
Do vậy, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu, định hướng lại thị trường. Hướng tới những nước không quy định quá chặt chẽ vấn đề cách ly sau khi đi du lịch nước ngoài trở về; các thị trường đã có động thái mở cửa. Chú trọng nhóm khách gia đình; nhóm khách trẻ tuổi, thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử bản địa, check in, sống ảo. Năng lực cạnh tranh đến thời điểm này không phải là giá cả mà là chất lượng dịch vụ và sản phẩm.
Vì thế, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Ông Hoàng Bình Minh
(Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Ninh Bình)
"Không có sự khác biệt sẽ không có khách"
Sắp tới sẽ diễn ra SEA Games 31 tại Việt Nam, sự kiện mang tầm khu vực thu hút đông đảo các cơ quan truyền thông quốc tế, các vận động viên và thành viên đoàn thể thao các nước tham dự. Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh Ninh Bình đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, để thu hút khách quốc tế, những điểm đến trên địa bàn cần có điểm nhấn và nét độc đáo riêng vì không có sự khác biệt sẽ không có khách. Làm sao để sự khác biệt của Ninh Bình đủ trọn vẹn, đủ hấp dẫn. Ninh Bình tự hào có Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư - nhưng cần có thêm những thước phim, những vở diễn tái hiện lại hình ảnh, câu chuyện về Kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền ngày xưa ấy như thế nào.
Ngoài ra, cũng nên làm một bộ ảnh đặc trưng của Ninh Bình thật đẹp, rồi quà tặng lưu niệm handmade, hay ẩm thực cũng vậy, không chỉ có thịt dê, chúng ta còn rất nhiều món ngon khác cần được giới thiệu. Du khách mong muốn những điều đó.
Bà Lê Thị Thu Hà
(Giám đốc Emeralda Resort, Phó chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam)
"Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số du lịch"
Thời gian này, Ninh Bình cần xây dựng và triển khai kế hoạch với các hoạt động, chương trình phục hồi du lịch cụ thể theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Trước tiên, phải đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số du lịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh các hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua các trang mạng xã hội, tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phù hợp với những xu hướng du lịch mới và kéo dài thời gian chuyến đi của du khách tại Ninh Bình. Chẳng hạn như: đẩy mạnh du lịch sinh thái rừng Cúc Phương, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Vân Long, phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử quai đê lấn biển ở Kim Sơn...
Ông Hoàng Đạo Cầm
(Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Nguyễn Lựu (thực hiện)