Du lịch Ninh Bình: Những kỳ vọng năm mới
Kết thúc năm 2021 - một năm nhiều khó khăn, tổn thất cho các doanh nghiệp dịch vụ và du lịch toàn cầu. Trước thềm năm mới 2022, khi dịch COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền cùng với các cơ quan chức năng đã và đang cố gắng nỗ lực để Du lịch có thể có những bước chuyển mình trong năm mới.
Nhiều thách thức
Trong hai năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành Du lịch. Nếu năm 2019, ngành Du lịch Ninh Bình đón 7,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng, thì sang năm 2020 chỉ đón 2,62 triệu lượt khách và năm 2021 ước đón 1,35 triệu lượt khách.
Do vậy, doanh thu từ du lịch đều giảm mạnh, năm 2020 chỉ bằng 43% và năm 2021 sụt giảm chỉ còn bằng 25% so với năm 2019. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc chỉ làm việc bằng vài chục phần trăm công suất. "Trước những khó khăn thời gian qua, trong năm 2022, Hiệp hội Du lịch tiếp tục giữ vững vai trò vị trí là cầu nối giữa các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch bằng những việc làm cụ thể như: động viên khuyến khích, cùng doanh nghiệp tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn; tham mưu, kiến nghị các giải pháp với Sở Du lịch, UBND tỉnh và các địa phương đảm bảo được vai trò là người "truyền lửa" và "giữ nhiệt" cho ngành" - anh Hoàng Bình Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức với ngành Du lịch. Sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp và lao động phải "dời bỏ cuộc chơi" do không thể và không còn năng lực để trụ lại.
Cho dù năm 2022 có khống chế được đại dịch thì ngành Du lịch cũng phải có một thời gian nhất định để "làm lành" vết thương kinh tế. Các hoạt động khi trở lại bình thường thì cũng cần khoảng thời gian nhất định từ 6 tháng đến một năm thì mới có sự "bùng nổ" về nhu cầu du lịch.
Nỗ lực phục hồi
Nhằm phục hồi và phát triển hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, cuối tháng 10, UBND tỉnh đã có Kế hoạch 180. Theo đó, các cấp, các ngànhtriển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi và phát triển trong tình hình mới.
Cuối tháng 11/2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2021 với chủ đề "Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam". Vì điều kiện dịch COVID -19, diễn đàn được tổ chức trực tuyến tại gần 30 đầu cầu trên cả nước, thu hút sự tham gia của lãnh đạo ngành du lịch các cấp và các chuyên gia du lịch và nhiều doanh nghiệp du lịch, trong đó có Ninh Bình.
Diễn đàn hướng đến tìm kiếm những giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi ngành Du lịch một cách bền vững trong bối cảnh bình thường mới.
Trung tuần tháng 12/2021, đồng chí Giám đốc Sở Du lịch đã dự hội nghị hợp tác, thống nhất tham gia chương trình chung "Thiết lập hành lang Du lịch An toàn Hà Nội và 12 địa phương". Theo đó, ngành Du lịch Ninh Bình đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về du lịch an toàn. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Ninh Bình - Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn". Ưu tiên kết nối tour du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ để tổ chức các chương trình tour du lịch an toàn, khép kín.
Cùng với đó, Ninh Bình tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, gắn hoạt động du lịch với các lễ hội truyền thống, sự kiện chính trị văn hóa, thể thao tiêu biểu (Lễ hội Hoa Lư; các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Tuần Du lịch Ninh Bình...).
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các gian hàng trên mạng để quảng bá, thu hút khách du lịch. Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Ninh Bình tiếp tục chú trọng thu hút khách du lịch nội địa. Đối với khách du lịch quốc tế, có phương án lộ trình cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh; giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu, năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, với kỳ vọng từ tháng 7 năm 2022 sẽ đón một số đối tượng khách quốc tế, phấn đấu đạt doanh thu du lịch ước 2.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, để nắm bắt các cơ hội phục hồi ngành Du lịch nhằm đạt được kết quả như kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chung để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm "Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn" với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Bài, ảnh: Minh Đường