Du lịch Ninh Bình với những kỳ vọng mới
Năm 2023 tiếp tục là năm ngành Du lịch Ninh Bình bứt tốc mạnh mẽ khi nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch năm. Đây là tiền đề, động lực để ngành tiếp tục kỳ vọng vào những mục tiêu cao hơn trong năm mới, đưa du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển.
Tạo đà thắng lợi cho năm mới
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, được coi là năm "bản lề" để ngành Du lịch Ninh Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra. Đây cũng là năm khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân trong các khu, điểm du lịch với kỳ vọng đưa ngành Du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Khởi động với quyết tâm cao ngay từ đầu nên bức tranh du lịch Ninh Bình năm 2023 đã được tô điểm bởi những gam màu tươi sáng khi lượng khách, doanh thu đều tăng cao, các dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trong năm, toàn tỉnh đã đón gần 6,6 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022 và đạt 123,33% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, lượng khách đến cơ sở lưu trú đạt trên 1,3 triệu lượt, gấp hơn 1,5 lần; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 1,8 triệu ngày, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu cả năm ước đạt trên 6.500 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,5% so với kế hoạch năm.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Thành công này tiếp tục khẳng định những định hướng đúng đắn, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành, đồng thời khẳng định chiến lược kinh doanh hiệu quả, sáng tạo của mỗi đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong năm, nhiều sản phẩm du lịch đã được đầu tư mở rộng; các điểm danh thắng được tôn tạo, nâng cấp; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển... Nổi bật là nhiều sản phẩm du lịch cao cấp đã được đưa vào khai thác nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao như: Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Gia Viễn), Khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc (Hoa Lư)…
Ngoài ra, Ninh Bình cũng chú trọng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh lam thắng cảnh địa phương. Qua đó, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.
Trong năm, nhiều chính sách mới kích cầu du lịch của tỉnh được ban hành đã tạo niềm tin, động lực thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt phải kể đến Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh "Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030". Theo Nghị quyết, các hoạt động được hỗ trợ là: Xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng và sửa chữa homestay, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Sau 5 tháng triển khai, đến nay đã có 7 đơn vị thuộc 2 nhóm chính sách được nhận hỗ trợ với tổng mức hỗ trợ là hơn 100 triệu đồng.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong đó có việc ban hành các chính sách mới đã tạo động lực để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự chủ động, linh hoạt, tích cực của mỗi doanh nghiệp, địa phương đã góp phần đưa ngành Du lịch Ninh Bình sớm "cán đích" và vượt xa kế hoạch đề ra trong năm.
Khách nước ngoài trải nghiệm du lịch Ninh Bình. Ảnh: Minh Đường
Nỗ lực cho mục tiêu mới
Tiếp nối những thành công năm 2023, nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã đặt quyết tâm chinh phục những mục tiêu mới cao hơn. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, mở đầu năm mới là dư âm và sức lan tỏa của chuỗi sự kiện Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II. Sự kiện này đã thu hút lượng lớn khách du lịch, đồng thời là tiền đề, động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nỗ lực đạt mục tiêu mới ngay từ đầu năm.
Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin: Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đón 6,6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón 900 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 8.250 tỷ đồng. Ngoài cơ sở vật chất, ngành sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, phong cách ứng xử văn hóa, văn minh để du khách luôn muốn quay trở lại vùng đất Cố đô đầy bản sắc và mến khách.
Mục tiêu trên đã được cộng đồng doanh nghiệp du lịch hưởng ứng. Ông Hoàng Bình Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Ninh Bình cho biết: Chúng tôi đã tổ chức bồi dưỡng và kiện toàn lại đội ngũ nhân sự để chuẩn bị cho những kế hoạch hoạt động của năm; rà soát các dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các điểm đến trên cả nước, từ đó xây dựng các sản phẩm cho Công ty. Cùng với khởi động lại các tour về Ninh Bình, trong năm mới, chúng tôi sẽ có những sản phẩm mới tập trung vào hoạt động trải nghiệm, xây dựng các tour hành trình kết nối Di sản giữa các địa phương. Ngay trong tuần đầu năm mới, Công ty đã khởi động bằng 3 tour và đang xúc tiến với một số đơn vị lữ hành ở các tỉnh, thành phố trên cả nước quảng bá các tour về tham quan lễ hội, chiêm bái, đi lễ chùa vào dịp đầu xuân.
Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đề ra, ngành cần tiếp tục quan tâm khắc phục một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với yêu cầu mới, số lượng cơ sở lưu trú nhiều nhưng số cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao trở lên còn khiêm tốn, thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn khác biệt. Để khắc phục được tình trạng trên, cần chú trọng việc đầu tư đồng bộ và nâng cấp các cơ sở lưu trú một cách tiện nghi, hiện đại, có những chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ và giữ chân họ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Với những tín hiệu tốt lành, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành Du lịch Ninh Bình, hứa hẹn bức tranh của ngành công nghiệp "không khói" sẽ rực rỡ, giành nhiều thắng lợi mới trong năm 2024.